Xác lập quyền sở hữu

Quyền sở hữu tài sản là một trong các quyền quan trọng của công dân. Việc xác lập quyền sở hữu dựa trên các sự kiện pháp lý nhất định được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

I/ Xác lập quyền sở hữu là gì?

Quyền sở hữu phát sinh phải dựa trên những căn cứ pháp lí nhất định. Những sự kiện pháp lý này được gọi là những căn cứ xác lập quyền sở hữu. Việc xác lập quyền sở hữu dựa trên những căn cứ được quy định Bộ luật Dân sự năm 2015 được coi là quyền sở hữu hợp pháp.

Thời điểm xác lập quyền sở hữu:

– Thời điểm xác lập quyền sở hữu thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao. (Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.)

– Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

II/ Các căn cứ xác lập quyền sở hữu

 

Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các căn cứ xác lập quyền sở hữu gồm:

– Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

+ Người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, kể từ thời điểm có được tài sản đó.

+ Người tiến hành hoạt động sáng tạo có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ hoạt động sáng tạo theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

– Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

+ Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay hoặc hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật thì có quyền sở hữu tài sản đó.

+ Quyền sở hữu có thể được xác lập căn cứ vào bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

– Thu hoa lợi, lợi tức: Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó.

– Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.

+ Trường hợp tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau được sáp nhập với nhau tạo thành vật không chia được và không thể xác định tài sản đem sáp nhập là vật chính hoặc vật phụ thì vật mới được tạo thành là tài sản thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu đó; nếu tài sản đem sáp nhập là vật chính và vật phụ thì vật mới được tạo thành thuộc chủ sở hữu vật chính, kể từ thời điểm vật mới được tạo thành, chủ sở hữu tài sản mới phải thanh toán cho chủ sở hữu vật phụ phần giá trị của vật phụ đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau được trộn lẫn với nhau tạo thành vật mới không chia được thì vật mới là tài sản thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu đó, kể từ thời điểm trộn lẫn.

+ Chủ sở hữu của nguyên vật liệu được đem chế biến tạo thành vật mới là chủ sở hữu của vật mới được tạo thành.

– Được thừa kế: Người thừa kế được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế theo quy định pháp luật về thừa kế.

– Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.

– Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường có quy định khác.

– Trường hợp khác do luật quy định.

+ Ví dụ khi các bên yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản thì quyền sở hữu có thể được xác lập căn cứ vào bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

2021-10-01T21:06:13+00:00 Tháng Tám 29th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|Chức năng bình luận bị tắt ở Xác lập quyền sở hữu

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494