Tài sản bảo đảm

Để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ, các chủ thể trong giao dịch dân sự có thể thực hiện các giao dịch bảo đảm. Tài sản bảo đảm là đối tượng của giao dịch bảo đảm.

 

I/ Tài sản bảo đảm là gì?

 

Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Tài sản bảo đảm là đối tượng của giao dịch bảo đảm, được dùng để bảo đảm việc thực hiện một nghĩa vụ với bên có quyền. Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

– Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;

– Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;

– Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;

– Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

Tài sản bảo đảm trong các giao dịch bảo đảm cụ thể như sau:

– Cầm cố: tài sản có thể chuyển giao (động sản);

– Thế chấp: động sản và bất động sản;

– Đặt cọc: khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác;

– Ký cược: khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác;

– Ký quỹ: khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá;

– Bảo lưu quyền sở hữu: chính tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán, chuyển quyền sở hữu trả chậm, trả dần;

– Bảo lãnh: có thể bằng tài sản hoặc không;

– Tín chấp: bảo đảm bằng sự uy tín (không có tài sản bảo đảm);

– Cầm giữ: tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản.

 

II/ Điều kiện tài sản bảo đảm

 

– Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

+ Quy định này phù hợp với điều kiện có hiệu lực của giao dịch;

+ Giúp hạn chế rủi ro cho bên nhận bảo đảm.

– Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được: vì tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện hữu hoặc tài sản hình thành trong tương lai, do đó phải xác định được đó là tài sản nào.

– Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

– Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

+  Để khi xử lý tài sản bảo đảm thì số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nghĩa vụ bị vi phạm và các chi phí bảo quản, xử lý tài sản… nên thường giá trị tài sản bảo đảm phải lớn hơn hoặc ít nhất bằng nghĩa vụ được bảo đảm để bảo vệ quyền lợi cho bên nhận bảo đảm;

+  Tuy nhiên, tài sản bảo đảm có thể có giá trị nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ bảo đảm theo sự thỏa thuận của các bên trong các trường hợp có nhiều tài sản bảo đảm cho một nghĩa vụ hoặc bên nhận bảo đảm chấp nhận rủi ro chịu thiệt khi phải xử lý tài sản bảo đảm thay cho việc thực hiện nghĩa vụ.

 

III/ Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm

 

– Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

– Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

– Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

2021-10-03T22:44:36+00:00 Tháng Chín 19th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|Chức năng bình luận bị tắt ở Tài sản bảo đảm

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494