Hợp đồng ủy quyền

Đại diện gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Đại diện theo ủy quyền có thể được xác lập thông qua Hợp đồng ủy quyền.

 

I/ Quy định về hợp đồng ủy quyền

 

1/ Hợp đồng ủy quyền là gì?

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Đặc điểm pháp lý:

– Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng song vụ;

– Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù (có thù lao) hoặc không đền bù (không có thù lao).

 

2/ Đối tượng và thời hạn ủy quyền

Đối tượng ủy quyền: công việc – người được ủy quyền thay mặt người ủy quyền thực hiện một/ một số hành vi pháp lý (không vi phạm điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội). Hành vi này có thể được thực hiện thông qua việc xác lập, thực hiện các giao dịch, hành vi khác.

Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

 

3/ Ủy quyền lại

– Điều kiện ủy quyền lại:

+ Có sự đồng ý của bên ủy quyền;

+ Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

– Phạm vu ủy quyền lại: không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

– Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

 

4/ Các mối quan hệ pháp lý

Vì bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền nên tồn tại hai quan hệ pháp lý song song

– Quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền theo Hợp đồng ủy quyền.

– Quan hệ giữa người được ủy quyền với bên thứ ba. Người được ủy quyền thay mặt người ủy quyền tiến hành giao kết hoặc thực hiện các giao dịch dân sự, công việc hành chính với bên thứ ba.

 

5/ Chấm dứt hợp đồng ủy quyền

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền:

– Hết thời hạn ủy quyền;

– Bên được ủy quyền đã thực hiện xong công việc ủy quyền, bàn giao lại kết quả công việc cho bên ủy quyền;

– Một trong các bên đơn phương chấm dứt Hợp đồng hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;

– Một trong hai bên cá nhân chết hoặc tổ chức chấm dứt tồn tại;

– Hủy bỏ Hợp đồng ủy quyền.

 

II/ Phân biệt Hợp đồng ủy quyền và Giấy ủy quyền

 

Hợp đồng ủy quyền và Giấy ủy quyền đều ghi nhận việc ủy quyền thực hiện công việc tuy nhiên có sự khác biệt:

Tiêu chí Giấy ủy quyền Hợp đồng ủy quyền
Bản chất Hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền (thường là cấp trên ủy quyền cho cấp dưới thực hiện công việc) Hợp đồng, thỏa thuận nhất trí giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền
Căn cứ pháp luật Chưa có quy định điều luật cụ thể. Tồn tại trên thực tế Bộ luật Dân sự năm 2015
Ký xác nhận Giấy ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền Hợp đồng ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền và người được ủy quyền
Ủy quyền lại Người được ủy quyền không được ủy quyền lại, trừ trường hợp pháp luật có quy định Bên được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên uỷ quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Giá trị thực hiện Việc lập giấy ủy quyền không đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và  không có giá trị bắt buộc bên nhận ủy quyền phải thực hiện các công việc ghi trong giấy Là sự nhất trí cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền nên có giá trị bắt buộc phải thực hiện các công việc đã nêu trong hợp đồng, đồng thời bên nhận ủy quyền có thể được nhận thù lao (theo thỏa thuận hoặc luật định)
Đơn phương chấm dứt thực hiện uỷ quyền – Bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt ủy quyền bất cứ lúc nào;

– Bên nhận ủy quyền có quyền không thực hiện công việc ủy quyền

– Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

 

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

 

– Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.

 

2021-10-01T15:53:27+00:00 Tháng Chín 19th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|Chức năng bình luận bị tắt ở Hợp đồng ủy quyền

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494