Tình huống: Chị A (NĐ) muốn ly hôn với anh B (BĐ) (đã đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, hiện tại không xác định được nơi cư trú). Xác định thẩm quyền và thủ tục giải quyết.
1/ Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
– Thẩm quyền theo cấp: Tòa án nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc TW
Căn cứ pháp lý:
Điểm c khoản 1 điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này. (Khoản 3 Điều 35 BLTTDS: Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.)
– Thẩm quyền theo lãnh thổ: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở (Căn cứ tại điểm a, khoản 1, điều 39 BLTTDS)
– Thẩm quyền theo sự lựa chọn: Chị A có thể lựa chọn tòa án nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc TW tại nơi cư trú cuối cùng của anh B hoặc tòa án nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc TW nơi chị A đang cư trú, làm việc để giải quyết việc ly hôn trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của anh B.
Căn cứ tại Điều 40 – BLTTDS 2015:
1.Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
…
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
2/ Thủ tục ly hôn
Ở đây, ly hôn theo yêu cầu của một bên sẽ căn cứ vào quy định tại điều 56, Luật hôn nhân gia đình 2014. Trong đó, yêu cầu ly hôn từ một bên sẽ chỉ được chấp thuận trong các trường hợp:
– Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
– Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
– Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Nếu chị A không chứng minh được hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì chỉ có thể yêu cầu ly hôn khi anh B được Tòa tuyên là mất tích.
Thủ tục để tòa tuyên bố một người là mất tích được quy định tại Điều 387 (BLTTDS 2015). Trong đó chị A phải có chứng cứ chứng minh anh B biệt tích từ 2 năm trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm người đó.