Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là gì?

Hiện nay, việc vay tiền sau đó bỏ trốn hoặc cố tình không trả diễn ra khá thường xuyên và trở thành vấn đề mà rất nhiều người quan tâm. Có nhiều quan điểm cho rằng hành vi vay tiền sau đó bỏ trốn không trả có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Liệu quan điểm đó có chính xác không? Vậy, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là gì?

 

I/ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là gì?

 

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

 

1/ Mặt khách quan

– Hành vi:

+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

– Hậu quả:

+ Trị giá từ 4.000.000 đồng trở lên.

+ Trường hợp chiếm đoạt tài sản dưới 4.000.000 đồng: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả.

 

2/ Mặt chủ quan

– Lỗi: cố ý trực tiếp.

 

3/ Chủ thể

Đây là tội phạm có chủ thể thường: đủ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự.

 

4/ Khách thể

Khách thể của tội phạm này là xâm phạm quyền sở hữu tài sản.

 

II/  Điểm khác nhau cơ bản giữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hai hành vi dễ bị nhầm lẫn trên thực tế giải quyết. Điểm khác nhau cơ bản giữa hai hành vi này ở thời điểm xuất hiện ý thức chiếm đoạt tài sản: đối với lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì ý thức chiếm đoạt xuất hiện sau khi đã chiếm giữ hợp pháp tài sản; còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ý thức chiếm đoạt xuất hiện từ đầu, dùng các thủ đoạn gian dối để có thể chiếm đoạt tài sản.

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494