Cố ý gây thương tích

Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (sau đây viết tắt là BLHS 2015) các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người được quy định tại Chương XIV là nhóm tội danh thứ hai được quy định sau nhóm tội phạm xâm hại an ninh quốc gia. Cố ý gây thương tích là hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Đây là hành vi có tính nguy hiểm cao và bị trừng phạt nghiêm khắc.

 

I/ Các tội danh đối với hành vi cố ý gây thương tích

 

Tùy vào động cơ, mục đích và hoàn cảnh phạm tội, hành vi cố ý gây thương tích (thực hiện với lỗi cố ý) có thể bị truy cứu về một trong các tội danh sau:

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134 BLHS 2015);

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (điều 135 BLHS 2015);

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (điều 136 BLHS 2015).

 

II/ Một số vấn đề cần quan tâm

 

– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (điều 27 BLHS 2015):

+ 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

+ 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

+ 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

+ 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– Trường hợp phải có đơn yêu cầu khởi tố: Khoản 1 điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015): “1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”

– Dấu hiệu phạm tội:

1/ Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134 BLHS 2015)

– Mặt khách quan:

+ Hành vi: cố ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe người khác (ví dụ: đấm, đánh, đá…);

+ Hậu quả: tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% mà thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 134. Đối với tội phạm này, dù trên hay dưới 11% thì cũng là phải có thương tích (dựa vào kết quả giám định thương tật, giám định pháp y trong trường hợp làm chết người);

+ Công cụ phạm tội: có thể không hoặc có, dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác; lưu ý dù là dao, kéo, gạch, đá cũng có thể coi là hung khí nguy hiểm.

– Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp.

– Mặt chủ thể: căn cứ điều 12 BLHS 2015 thì tuổi từ đủ 16 trở lên.

– Mặt khách thể: xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác.

 

2/ Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (điều 135 BLHS 2015)

Các dấu hiệu phạm tội tương tự Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng điểm khác ở chỗ:

Một là, hậu quả của hành vi: tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Hai là, gười phạm tội gây ra tội phạm trong hoàn cảnh trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó.

* Trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó:

– Bị hại có hành vi trái pháp luật;

– Đối tượng tác động của hành vi trái pháp luật của bị hại là đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội;

– Hành vi phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh;

– Hành vi trái pháp luật của người bị hại là nguyên nhân dẫn đến người phạm tội bị kích động mạnh.

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động  đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

3/ Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (điều 136 BLHS 2015)

Các dấu hiệu phạm tội tương tự Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng điểm khác ở chỗ:

Một là, hậu quả của hành vi: tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Hai là, do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội:

– Phòng vệ chính đáng: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

– Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

– Trong khi bắt giữ người phạm tội.

 

III/ Bồi thường thiệt hại

 

– Bị hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và biện pháp bảo đảm bồi thường theo quy định tại điểm g điều 62 BLTTHS 2015.

– Căn cứ xác định thiệt hại, mức và thời hạn bồi thường theo quy định tại điều 590, 591, 593 Bộ luật dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/ 2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494