Quyền nhân thân của cá nhân

Quyền nhân thân của cá nhân là một bộ phận quyền dân sự của cá nhân, mang các tính chất của quyền dân sự và một số đặc điểm riêng biệt để phân biệt với quyền tài sản của cá nhân.

 

I/ Quyền nhân thân của cá nhân là gì?

 

1/ Định nghĩa

Khoản 1 điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Như vậy, quyền nhân thân của cá nhân là quyền dân sự gắn liền với giá trị bản thân mỗi chủ thể, được pháp luật ghi nhân và bảo hộ.

Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân.

Quyền nhân thân của cá nhân gồm các quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.

 

2/ Đặc điểm

– Quyền nhân thân của cá nhân có tính phi tài sản: quyền nhân thân không thể định giá bằng tiền hay tài sản khác. Do đó, quyền nhân thân không thể bị định đoạt, chuyển nhượng hay kê biên.

– Quyền nhân thân gắn với một cá nhân và không thể chuyển giao:

+ Cá nhân khác nhau có giá trị đặc trưng khác nhau, quyền nhân thân luôn gắn với một cá nhân nhất định và không bị phụ thuộc, chi phối bởi các yếu tố khách quan như độ tuổi, giới tính, tôn giáo, dân tộc…

+ Quyền nhân thân của cá nhân không thể chuyển giao: tính chất phi tài sản của quyền nhân thân và mang giá trị tinh thần, gắn liền với một chủ thế nhất định; do đó, nó không thể là đối tượng của chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…

 

II/ Các quyền nhân thân của cá nhân

 

Các quyền nhân thân của cá nhân được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:

– Quyền có họ, tên (Điều 26);

– Quyền thay đổi họ (Điều 27);

– Quyền thay đổi tên (Điều 28);

– Quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29);

– Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30);

– Quyền đối với quốc tịch (Điều 31);

– Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32);

– Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33);

– Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34);

– Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Điều 35); Quyền xác định lại giới tính (Điều 36);

– Chuyển đổi giới tính (Điều 37);

– Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38)

– Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39).

– Ngoài ra, tại điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về Quyền nhân thân của tác giả.

2021-10-01T20:50:17+00:00 Tháng Chín 13th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|Chức năng bình luận bị tắt ở Quyền nhân thân của cá nhân

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494