Quảng cáo thương mại

Nhắc đến quảng cáo phải kể đến những cuộc chiến quảng cáo nảy lửa giữa Coca cola -Pepsi, Milo –Ovaltine, Iphone – Blackberry… Cạnh tranh là quy luật tất yếu của thị trường, các doanh nghiệp sử dụng mọi biện pháp để tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng; trong đó phải kể đến hoạt động quảng cáo thương mại. Pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể về hoạt động này.

 

I/ Quảng cáo thương mại là gì?

 

1/ Định nghĩa quảng cáo và quảng cáo thương mại

Điều 2, Luật Quảng cáo năm 2012: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”

Luật Thương mại năm 2005 quy định tại điều 102 về quảng cáo thương mại như sau: “Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình.”, điều 104: “Kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại là hoạt động thương mại của thương nhân để thực hiện việc quảng cáo thương mại cho thương nhân khác.” Do đó, quảng cáo về hoạt động kinh doanh, về hàng hóa, dịch vụ của thương nhân hay hoạt động quảng cáo cho thương nhân khác để hưởng thù lao dịch vụ được gọi là “quảng cáo thương mại” có mục đích sinh lời.

 

2/ Đặc điểm quảng cáo thương mại

Đặc điểm pháp lý của hoạt động quảng cáo thương mại:

– Chủ thể hoạt động quảng cáo thương mại là thương nhân.

– Tổ chức thực hiện: tự thực hiện hoặc thuê dịch vụ quảng cáo.

– Cách thức: nội dung thông tin quảng cáo bao gồm những thông tin về hàng hóa, dịch vụ thương mại, về hoạt động kinh doanh của thương nhân.

– Mục đích trực tiếp của quảng cáo thương mại là giới thiệu rộng rãi về hàng hóa, dịch vụ để xúc tiến thương mại, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và mục tiêu lợi nhuận của thương nhân.

Vì vậy, quảng cáo thương mại cũng là một hoạt động quảng cáo với mục đích lợi nhuận. Hiện nay, hầu hết các quảng cáo đều là quảng cáo thương mại. Trong đó, quảng cáo thương mại mang đầy đủ các đặc điểm của hoạt động xúc tiến thương mại và cách thức tiến hành: sử dụng sản phẩm, phương tiện quảng cáo để thông tin về hàng hóa, dịch vụ tới khách hàng.

 

II/ Những quy định chung về quảng cáo thương mại

 

1/ Đối tượng quảng cáo thương mại

Đối tượng của quảng cáo thương mại là hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh của thương nhân. Một số hàng hóa dịch vụ không được quảng cáo như: thuốc lá, rượu mạnh, hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép hoạt động tại thời điểm quảng cáo.

Quảng cáo phải trung thực, khách quan: chất lượng, giá cả, quy cách , công dụng, xuất xứ, kiểu dáng, chủng loại, phương thức phục vụ, bao bì, thời hạn bảo hành…

 

2/  Sản phẩm và phương tiện quảng cáo thương mại

Sản phẩm quảng cáo thương mại gồm những thông tin bằng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại.

Phương tiện quảng cáo thương mại bao gồm:

– Các phương tiện thông tin đại chúng;

– Các phương tiện truyền tin;

– Các loại xuất bản phẩm;

– Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông hoặc các vật thể di động khác;

– Các phương tiện quảng cáo thương mại khác.

 

3/ Các hành vi bị cấm

– Tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

– Sử dụng sản phẩm quảng cáo, phương tiện quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và trái với quy định của pháp luật.

– Cấm quảng cáo đối với một số hàng hoá, dịch vụ như: thuốc lá, rượu mạnh, các sản phẩm hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ thương mại chưa được phép thực hiện trên thị trường Việt Nam ở thời điểm quảng cáo.

– Lợi dụng quảng cáo thương mại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

– Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác.

– Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ.

– Quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình bằng cách sử dụng sản phẩm quảng cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo khi chưa được tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

– Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật.

2021-10-01T20:47:55+00:00 Tháng Chín 19th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật doanh nghiệp, đầu tư, thương mại|Chức năng bình luận bị tắt ở Quảng cáo thương mại

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494