Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng phổ biến hiện nay. Pháp luật có những quy định cụ thể về Hợp đồng này.
I/ Khái niệm Hợp đồng vay tài sản
1/ Định nghĩa Hợp đồng vay tài sản
Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
2/ Đặc điểm pháp lý
– Là sự thỏa thuận giữa các bên;
– Đối tượng: Tài sản (được phép giao dịch) tiêu hao hoặc không tiêu hao
– Là hợp đồng đơn vụ hoặc song vụ:
+ Đơn vụ: có hiệu lực từ thời điểm bên cho vay giao tài sản vay cho bên vay;
+ Song vụ: có hiệu lực từ thời điểm giao kết, bên cho vay phải giao tài sản vay cho bên vay đúng thời hạn quy định trong hợp đồng.
– Là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù:
+ Khoản vay có lãi suất: Hợp đồng có đền bù;
+ Khoản vay không lãi suất: Hợp đồng không đền bù, đơn vụ;
– Hợp đồng có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn.
– Bên vay tài sản trở thành chủ sở hữu tài sản sau khi nhận tài sản vay.
– Lãi suất: tự thỏa thuận nhưng không quá 20%/năm với hợp đồng vay dân sự thông thường, các hợp đồng vay tín dụng theo lãi suất mà Ngân hàng nhà nước Việt Nam áp dụng tại thời điểm vay.
II/ Phân biệt Hợp đồng vay tài sản và mượn tài sản
BLDS 2015 quy định cả về hợp đồng vay và mượn tài sản, hai loại Hợp đồng này trên thực tế thường hay bị nhầm lẫn vì có nhiều điểm tương đồng.
Tiêu chí | Hợp đồng vay tài sản | Hợp đồng mượn tài sản |
Định nghĩa | Điều 463 BLDS 2015: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. | Điều 494 BLDS 2015: Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. |
Đối tượng | Tài sản tiêu hao hoặc không tiêu hao | Tài sản không tiêu hao (tiền không bao giờ là đối tượng của hợp đồng này) |
Tính chất | Hợp đồng hỗn hợp: song vụ hoặc đơn vụ, đền bù hoặc không đền bù | Hợp đồng đơn vụ, không đền bù |
Trả lãi | Có thể (nếu có quy định về lãi suất) | Không |
Quyền/nghĩa vụ đối với tài sản vay/mượn | Có quyền sở hữu sau khi nhận tài sản | Quyền:
– Chỉ có quyền sử dụng với tài sản mượn. Nghĩa vụ: – Giữ gìn, bảo quản tài sản, không được quyền thay đổi tình trạng; – Tài sản hư hỏng thì phải sửa chữa, tài sản không thể sửa chữa được thì phải bồi thường thiệt hại tương ứng. |
Quyền trả lại tài sản | – Nếu vay tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn, nếu vay tài sản là vật khác thì phải trả vật cùng loại, đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.– Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. | Trả lại đúng tài sản đã mượn. |
Quyền đòi lại tài sản của bên cho vay/cho mượn | – Hợp đồng vay có kỳ hạn: không được đòi trước hạn, trừ trường hợp phát hiện bên vay sử dụng tài sản không đúng mục đích vay hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, cố tình trốn tránh nghĩa vụ;
– Hợp đồng vay không có kỳ hạn: phải báo trước một khoảng thời gian hợp lý |
– Khi hết thời hạn mượn;
– Bên mượn đã đạt mục đích; – Bên cho mượn có nhu cầu sử dụng đột xuất: phải báo trước trong thời gian hợp lý; – Bên mượn sử dụng tài sản trái mục đích, công dụng khi chưa được sự đồng ý của bên cho mượn. |