Trách nhiệm hình sự cho việc bán tài sản công với giá “rẻ”

Từ những vụ bán đất công giá bèo ở Đà Nẵng, TP HCM và một số tỉnh thành khác cho thấy việc thực thi quy định quản lý nhà nước về việc mua, bán đất công còn xảy ra nhiều sai phạm. Theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất và mức độ sai phạm người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Tại bài viết này, chúng tôi đề cập về trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quản lý nhà nước trong việc mua bán tài sản công.

Trong trường hợp phát hiện hành vi phạm tội trước ngày 01/01/2018, áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì người phạm tội có thể bị khởi tố theo Điều 278 về Tội tham ô tài sản, Điều 28o về Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Điều 281 Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, Điều 282 Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ hoặc Điều 285 về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong trường hợp hành vi phạm tội xảy ra sau thời điểm trên thì áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 người phạm tội có thể bị khởi tố theo các tội tương ứng Điều 353, Điều 355, Điều 356, Điều 357. Không những thế Bộ luật Hình sự 2015 có những điểm mới mà có lợi hơn cho người phạm tội thì được áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự 2015 để xử lý.

  1. Tội tham ô tài sản

Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015, tội tham ô tài sản có thể được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, các yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản như sau:

Chủ thể của tội tham ô chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.  Người có trách nhiệm quản lý tài sản, tức là có trách nhiệm đối với tài sản được Nhà nước giao quản lý.

Khách thể của tội tham ô chính là hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan tổ chức nêu trên

Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Mặt khách quan: Hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ quyền hạn. Hành vi phạm tội đầu tiên phải là hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt là những tài sản mà người phạm tội được giao quản lý. Người phạm tội đã lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản được giao, chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý. Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản này có thể khác nhau nhưng thực chất đều là sử dụng chức vụ quyền hạn được giao như điều kiện, phương tiện để có thể thực hiện hành vi tham ô tài sản, biến tài sản được giao thành tài sản của mình.

Như vậy, nếu có đủ căn cứ chứng minh những người có chức vụ, quyền hạn giao đất cho doanh nghiệp hoặc những người tham gia giao kết hợp đồng mua bán tài sản công khác đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, dùng thủ đoạn, lừa dối hoặc cấu kết với tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện việc giao đất, cho thuê đất với giá rẻ và bán ra với giá cao nhằm chiếm đoạt phần chênh lệch, gây thất thoát tài sản nhà nước thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản.

  1. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới chiếm đoạt được tài sản của người khác.

Khách thể của tội phạm này là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền; cao hơn là chính thể bị sụp đổ. Vì vậy, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là đối tượng phải đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi.

Hậu quả của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội. Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, thiệt hại trước hết là thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại khác phi vật chất. Hậu quả của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, xét về phương diện các yếu tố cấu thành tội phạm thì không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm.

Mặt chủ quan của tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

  1. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Khách thể: Tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Chủ thể: Chủ thể của tội danh này là chủ đặc biệt, ngoài việc có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định thì phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Mặt khách quan: Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi gây thiệt hại một cách dễ dàng.

Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

  1. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Chủ thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Khách thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Trước hết, người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nếu không có chức vụ, quyền hạn thì không thể lạm quyền được.

Mặt khách quan: Trước hết, người phạm tội phải là người có hành vi lạm quyền. Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là vượt quá quyền hạn của mình, tức là làm một việc ngoài phạm vi chức trách. Cũng như đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hậu quả của tội lạm quyền trong khi người thi hành công vụ là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi lạm quyền chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này.

Mặt chủ quan: người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý ( có cả cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.

  1. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại theo quy định của BLDS.

Khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chính là xâm phạm tính đúng đắn trong hoạt động quản lý của nhà nước

Mặt khách quan: Hành vi thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao.

Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp và mục đích vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Tương tự với tội tham ô tài sản, nếu có đủ căn cứ chứng minh những người có chức vụ, quyền hạn giao đất cho doanh nghiệp hoặc những người tham gia giao kết hợp đồng mua bán tài sản công khác có đủ những yếu tố cấu thành ở trên thì có thể khởi tố họ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Trách nhiệm pháp lý mà người vi phạm có thể phải chịu

  1. Tội tham ô tài sản

Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm (Khoản 2) hoặc phạt tù từ 15 năm đến 20 năm (Khoản 3) hoặc phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Khoản 4).

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

  1. Tội lạm dụng, chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Khung cơ bản: phạt tù từ một năm đến sáu năm

Khung tăng nặng thứ nhất: phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm áp dụng trong trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2

Khung tăng nặng thứ hai: phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm, áp dụng trong trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 3

Khung tăng nặng thứ ba: phạt tù hai mười năm hoặc tù chung thân, áp dụng trong trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 4

Hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

  1. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (Khoản 2) hoặc phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (Khoản 3).

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

  1. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Khung 1: bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm

Khung 2: bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm

Khung 3: bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm

Khung 4: bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm

Hình phạt bổ sung: còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

  1. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Khung cơ bản: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

Khung tăng nặng thứ nhất: bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm

Khung tăng nặng thứ hai: bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm

Khung tăng nặng thứ ba: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm

 

Một số nguyên nhân từ quy định của pháp luật và thực tế

Khắc phục những hạn chế của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 và Nghị định 52/2009/NĐ-CP  khi quy định chưa rõ ràng về hình thức bán đấu giá tài sản nhà nước, hiện nay đã có hành lang pháp lý mới quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này.

Việc quản lý, sử dụng tài sản công không chỉ tuân thủ Luật Quản lý sử dụng tài sản công mà còn nhiều văn bản phát luật khác như Luật Đấu giá tài sản, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản và các quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Riêng quản lý chuyên ngành về tài sản công, Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có quy định nhằm công khai việc xử lý tài sản công. Theo đó, tài sản công khi bán, chuyển nhượng phải được đấu giá, trừ những tài sản có giá trị nhỏ được bán theo hình thức niêm yết giá hoặc bán chỉ định. Trong đó, niêm yết giá vẫn phải thực hiện công khai như đấu giá; Hình thức bán chỉ định chỉ áp dụng những tài sản công dưới 10 triệu đồng. Việc bán đấu giá và niêm yết công khai đối với tài sản phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử về tài sản công.

Trên thực tế, có nhiều quy trình mua bán tài sản công không hề thông qua đấu giá, điều này vi phạm quy định của pháp luật và xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan như sự thoái hóa, biến chất của cán bộ hoặc lợi ích nhóm…

Một số giải pháp hạn chế, khắc phục những vi phạm trong việc mua, bán đất công

Thứ nhất, cần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền, trách nhiệm quản lý và cho thuê, chuyển nhượng tài sản công.

Thứ hai, cần xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực quản lý luôn liên quan đến việc sử dụng tài sản, vốn và ngân sách nhà nước. Việc thực hiện một cách tuỳ tiện và trái phép các tiêu chuẩn, chế độ, định mức đó sẽ dẫn đến việc tài sản của Nhà nước bị thất thoát, tiền bạc hoặc những lợi ích vật chất rơi vào một số ít người, thực chất đó là sự hưởng lợi bất chính của những người có chức vụ, quyền hạn hoặc những người có quan hệ thân quen với người có chức vụ, quyền hạn. Đây chính là hành vi tham nhũng cần ngăn chặn.

Thứ ba, cần cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán nhằm phòng ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm.

 

2019-11-26T17:12:08+00:00 Tháng Mười Hai 4th, 2018|Tin tức|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494