Thủ tục đơn phương ly hôn không tranh chấp tài sản

Khi không có sự đồng tình của cả hai bên trong việc ly hôn thì tiến hành theo thủ tục đơn phương ly hôn. Đơn phương ly hôn thì có thể có hoặc không tranh chấp tài sản. Vậy thủ tục đơn phương ly hôn không tranh chấp tài sản được quy định như thế nào theo quy định hiện hành?

 

I/ Đơn phương ly hôn không tranh chấp tài sản là gì?

 

1/ Đơn phương ly hôn là gì?

Khác với thuận tình ly hôn là sự đồng thuận của cả hai bên, đơn phương ly hôn là việc một trong hai bên yêu cầu ly hôn.

Đối tượng được yêu cầu ly hôn (Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014):

– Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

– Lưu ý: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Sau khi có đơn yều cầu ly hôn của một bên, Tòa án tiến hành hòa giải mà không thành thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn trong trường hợp:

– Có căn cứ về việc cuộc hôn nhân của hai vợ chồng lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được:

+ Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng: Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống; có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau: bạo lực gia đình như đánh đập, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín; không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình;

+ Đời sống chung không thể kéo dài: Nếu thực tế cho thấy có các hành vi khiến hôn nhân lâm vào trầm trọng và đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng như ngoại tình, bỏ mặc nhau hoặc ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

+ Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

– Hoặc có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

– Đối với trường hợp vợ hoặc chồng bị tuyên bố mất tích thì tòa giải quyết ly hôn theo yêu cầu của bên kia.

 

2/ Đơn phương ly hôn có tranh chấp tài sản và không tranh chấp tài sản khác nhau như thế nào?

Khi ly hôn đơn phương có tranh chấp tài sản thì Tòa sẽ phải giải quyết vấn đề chia tài sản cũng như các bên cần chuẩn bị các chứng cứ, lập luận để phục vụ cho việc chia tài sản. Việc ly hôn phức tạp hơn và có thể kéo dài hơn.

Án phí đơn phương ly hôn không có tranh chấp tài sản và có tranh chấp tài sản là khác biệt nhau:

– Không có tranh chấp tài sản: 300.000 VNĐ;

– Có tranh chấp tài sản, án phí sẽ phụ thuộc vào giá trị tài sản tranh chấp (tham khảo Danh mục án phí, lệ phí Tòa án kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14).

Mức tạm ứng án phí bằng 50% án phí.

 

II/ Thủ tục đơn phương ly hôn không tranh chấp tài sản như thế nào?

 

– Nộp hồ sơ đơn phương ly hôn tại TAND có thẩm quyền;

– Tòa xem xét vụ án có thuộc thẩm quyền để thụ lý hay không;

– Sau khi Tòa án thụ lý yêu cầu ly hôn, nộp tạm ứng án phí;

– Tiến hành hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự:

+ Hòa giải thành: đình chỉ giải quyết vụ án, hai bên quay về với nhau;

+ Hòa giải không thành: xem xét yêu cầu và giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự.

 

 

2021-10-01T21:58:08+00:00 Tháng Tám 27th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật Hôn nhân, Gia đình|Chức năng bình luận bị tắt ở Thủ tục đơn phương ly hôn không tranh chấp tài sản

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494