Thừa kế là một trong các quyền cơ bản của công dân. Tuy nhiên, quyền thừa kế có thời hạn nhất định do pháp luật quy định, đó là thời hiệu thừa kế.
I/ Thời hiệu thừa kế
1/ Thời hiệu là gì?
Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sịnh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do Luật quy định.”
2/ Thời hiệu thừa kế
Thời hiệu thừa kế được quy định tại điều 623 BLDS 2015. Theo đó, thời hiệu thừa kế: được tính kể từ thời điểm mở thừa kế
+ Di sản là động sản: 10 năm;
+ Di sản là bất động sản: 30 năm.
– Xử lý di sản sau khi hết thời hiệu thừa kế: Sau khi hết thời hiệu trên mà di sản chưa được chia thì di sản thuộc về những chủ thể dưới đây, theo thứ tự ưu tiên:
+ Người đang quản lý di sản;
+ Người đang chiếm hữu di sản;
+ Nếu di sản không có người quản lý, chiếm hữu thì thuộc về Nhà nước.
– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
– Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Khoản 1 điều 611 BLDS 2015: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”
Điều 71 BLDS 2015:
“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.
Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.”
Như vậy đối với trường hợp người để lại di sản là người bị tuyên bố chết thì thời điểm mở thừa kế sẽ được xác định theo ngày chết được ghi nhận trong Quyết định tuyên bố chết của người đó do Tòa án ra.
II/ Những điểm mới về thời hiệu thừa kế
Quy định về thời hiệu thừa kế của BLDS 2015 có nhiều điểm tiến bộ so với BLDS 2005. BLDS 2005 quy định chung về thời hiệu thừa kế là 10 năm mà không phân tách dạng di sản, như vậy đến BLDS 2015 thời hiệu thừa kế với di sản là bất động sản đã được kéo dài thành 30 năm, điều này là có lợi cho những người thừa kế. Một điểm nữa là BLDS 2015 đã bổ sung thêm quy định về xử lý di sản sau khi hết thời hiệu khởi kiện chưa được quy định tại BLDS 2005.
BLDS năm 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017, vậy các trường hợp thừa kế di sản mà người để lại di sản chết trước ngày 01/01/2017 sẽ được áp dụng theo thời hiệu thừa kế quy định tại BLDS 2005 hay BLDS 2015?
Điểm d, khoản 1, điều 688 BLDS 2015:
“1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.”
Khoản 4, Điều 4, Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP: “4. Từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và các Luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động”.
Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của TANDTC và Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 về thời hiệu thừa kế đều khẳng định kể từ ngày 01/01/2017, Tòa án phải căn cứ vào quy định tại khoản 1, Điều 623 Bộ luật Dân sự để xác định thời hiệu thừa kế, đối với cả hai trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017. Như vậy, nếu còn thời hiệu 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản thì vẫn có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế.
Tuy nhiên, khoản 2 điều 688 này cũng quy định: “2. Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.” Tức là, những vụ kiện về thừa kế đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật sẽ không được xem xét lại.