Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán

Chậm thanh toán là vi phạm cơ bản và phổ biến trong các giao dịch. Bên bị vi phạm ngoài quyền yêu cầu thực hiện thanh toán còn có quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán. Cụ thể như sau:

 

I/ Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán đối với các giao dịch dân sự thông thường

 

Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau:

“1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.”

Điều 468 quy định:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Như vậy, bên bị chậm thanh toán có quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán. Lãi suất được xác định như sau:

– Trường hợp có thỏa thuận: không quá 20%/năm;

– Trường hợp không thỏa thuận: 10%/năm.

 

II/ Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán đối với các giao dịch kinh doanh thương mại

 

Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 quy định về Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán như sau:

“Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Đối với quy định trên, việc xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là khá khó khăn và còn nhiều vướng mắc, vì quy định về lãi xuất hiện nay rất đa dạng trong cùng một ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng như giữa các ngân hàng và tổ chức tín dụng với nhau. Lãi xuất trung bình trên thị trường được xác định trên lãi xuất ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn; lãi xuất tiền gửi hay tiền vay; lãi xuất đối với khoản vay có bảo đảm hay khoản vay tín chấp dành cho đối tượng uy tín cao hay uy tín thấp; lãi suất dành cho khoản vay kinh doanh đầu tư dự án hay lãi suất khoản vay tiêu dùng…?

Mặc dù bản chất giao dịch thương mại vẫn là các giao dịch dân sự nhưng khi có luật chuyên ngành có quy định cụ thể thì rất khó để lập luận và dẫn chiếu về quy định chung của Bộ luật Dân sự để dễ áp dụng hơn.

Trong trường hợp này, cần đối chiếu đặc điểm của khoản nợ chậm thanh toán với các giao dịch vay trên thị trường để có sự so sánh, lập luận đưa về loại lãi suất gần giống nhất để thuyết phục đối phương cũng như Tòa án, Trọng tài (nếu có) chấp nhận mức lãi suất đề ra. Mọi thắc mặc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Luật Hợp danh INCIP để có tư vấn cụ thể với từng trường hợp.

2021-10-20T19:26:28+00:00 Tháng Mười 20th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494