Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Pháp luật quy định các trường hợp không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ khi xác lập giao dịch, trong đó có quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cầm của luât, trái đạo đức xã hội.

 

I/ Thế nào là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội?

 

1/ Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:

– Chủ thể: có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch xác lập;

– Ý chí: tự nguyện (không bị đe dọa, cưỡng bức, lừa dối, nhầm lẫn, hoàn toàn tỉnh táo và biết rõ về giao dịch khi xác lập);

– Nội dung, mục đích: không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

+ Nội dung: các điều khoản của giao dịch, bao gồm nhưng không giới hạn như: đối tượng, giá cả, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ các bên, thời hạn,…

+ Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó

– Hình thức: là điều kiện khi giao dịch pháp luật quy định về hình thức của giao dịch.

 

2/ Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”

Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội là vi phạm vào điều kiện về mặt nội dung, mục đích của giao dịch quy định tại điều 117.

Theo điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”

Giao dịch dân sự do giả tạo cũng là giao dịch có mục đích trái pháp luật và vô hiệu theo quy định tại điều 124: “1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.”

Đối với giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế (khoản 3, điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015).

 

II/ Ví dụ về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

 

1/ Giao dịch dân sự vô hiệu do nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

A và B ký kết Hợp đồng về việc mua bán một lô hàng là súng quân dụng AK47 với số lượng và giá cả theo thỏa thuận. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, hai bên xảy ra tranh chấp. Hợp đồng này là vô hiệu do đối tượng của Hợp đồng là không thuộc loại tài sản được lưu thông; pháp luật Việt Nam có quy định cấm về mua bán vũ khí, thậm chí pháp luật Hình sự quy định về tội danh mua bán vũ khí quân dụng.

 

2/ Giao dịch dân sự vô hiệu do mục đích vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

C nợ của D khoản tiền 200.000.000 VNĐ, để đảm bảo cho khoản vay này C đã thế chấp cho D một chiếc xe ô tô. Sắp đến hạn trả nợ mà C chưa có đủ tiền nên đã bàn bạc với E là bạn của mình bán chiếc xe cho E để tẩu tán tài sản, tránh cho ô tô bị kê biên khi không trả được nợ. Hợp đồng giữa C và E là vô hiệu do mục đích trái pháp luật.

2021-10-01T20:39:03+00:00 Tháng Chín 13th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|Chức năng bình luận bị tắt ở Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494