Công tác tham mưu trong bộ máy nhà nước – Trách nhiệm người tham mưu

Người tham mưu từ xưa đến nay đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các công việc của một bộ máy đơn vị, người thực hiện công tác tham mưu là người hiến kế, đưa ra ý kiến, kế hoạch, tư tưởng sáng tạo, khoa học, hiệu quả, chiến lược tối ưu nhất mang tính chỉ đạo để làm gợi ý đề xuất cho người đứng đầu đơn vị, cơ quan tham khảo hoặc dựa vào ý kiến đó để đưa ra quyết định. Tham mưu không phải là điều dễ dàng, tự mình nghĩ ra cách giải quyết đã khó, tự mình nghĩ cách cho người khác lại càng khó hơn. Đối với công tác này, người nắm vị trí tham mưu cần phải hiểu biết sâu rộng, có kiến thức chuyện môn cao, đòi hỏi phải có bộ óc nhanh nhạy để làm cánh tay đắc lực giúp việc cho lãnh đạo. Đặc biệt trong công tác quản lý hành chính, người lãnh đạo phải xử lý rất nhiều việc có liên quan đến lĩnh vực của Bộ, ngành vì vậy người tham mưu có vai trò giúp đỡ lớn khi mà lãnh đạo không thể tự mình làm hết các công việc được.

Trên thực tế, tham mưu là đưa ra đề xuất giải pháp,  còn những giải pháp, đề xuất đó có được hiện thực hóa hay không thì vẫn tùy thuộc vào quyết định của người đứng đầu. Chính vì vậy, năng lực chuyên môn của người đứng đầu cũng là một yếu tố then chốt dẫn đến kết quả công việc.

Nhưng nếu người tham mưu có năng lực yếu kém hoặc vì những mục đích khác dẫn đến việc tham mưu sai, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm như thế nào? Bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến vấn đề trách nhiệm của người tham mưu sai.

  1. Quy định pháp luật về xử lý người có hành vi tham mưu sai

Cán bộ công chức là người trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, tiếp cận với nhiều thông tin, tài liệu quan trọng, vì vậy, rất dễ dàng diễn ra tình trạng lạm dụng chức quyền, tư lợi, tham nhũng… Vì vậy, khi tham mưu sai, người tham mưu có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình như sau:

  1. a) Xử lý về mặt hành chính đối với cán bộ không hoàn thành đúng trách nhiệm được giao hoặc năng lực yếu kém, gây hậu quả nghiêm trọng:

Luật cán bộ, công chức 2008 có quy định về hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức quy định tại Điều 78,79 gồm:

Đối với cán bộ: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm.

Đối với công chức: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

  1. b) Xử lý về mặt dân sự:

Nhiều trường hợp tham mưu sai gây ra hậu quả trực tiếp đến cạnh tranh trên thị trường, có thể gây ra tình trạng độc quyền doanh nghiệp trên một lĩnh vực nào đó.

Ví dụ như chỉ định chỉ có doanh nghiệp bảo hiểm cụ thể đến trường học và chỉ có doanh nghiệp này mới có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho trường học ở địa phương đó,  dẫn tới giảm dần mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực.

Hay trường hợp Agribank (100% vốn nhà nước), người tham mưu đưa ra ý kiến in lịch tết 2016 chia nhỏ gói thầu dẫn tới không đấu thầu tập trung, tình trạng này dẫn đến tốn kém chi phí ngân sách nhà nước bởi mỗi địa phương mỗi lần chuẩn bị đấu thầu sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ cho các hoạt động từ bước mời thầu, cho đến chuẩn bị nhân lực mà mẫu in lịch ở mỗi địa phương khác nhau, không đồng đều. Trường hợp này gây ra tốn kém rất lớn, thay vì tập trung đấu thầu cho toàn bộ gói thầu đó rồi đưa đến các chi nhánh thì ngân hàng lại chia nhỏ ra, giao cho mỗi chi nhánh thực hiện in ấn riêng và khoản ngân sách đưa cho mỗi chi nhánh ít nhất cũng tới 50 triệu đồng. Đồng thời, ngân hàng còn thực hiện chỉ định độc quyền một cơ sở in ấn khiến cho doanh nghiệp khác không có cơ hội tham gia cạnh tranh, đã thế lại mở đấu thầu, vừa khiến cho ngân hàng không có cơ hội tiếp cận với giá trị tốt nhất mà còn khiến cản trở cạnh tranh trên thị trường.

Theo pháp luật cạnh tranh, hành vi thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo Điều 8 khoản 8 Luật cạnh tranh 2004, Điều 21 Nghị định 116/2005. Đây là nhóm hành vi bị cấm tuyệt đối trong luật cạnh tranh, tuy nhiên, hành vi này mặc dù hạn chế cạnh tranh nhưng cũng chỉ bị xử phạt hành chính cho dù một bên có sự tham gia của cơ quan nhà nước.

  1. c) Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp tham mưu sai nhằm mục đích tư lợi, tham nhũng:

Nhóm các tội phạm tham nhũng Mục 1 chương XXIII Các tội phạm về chức vụ bao gồm Điều 353 tội tham ô tài sản, Điều 354 về việc nhận hối lộ, Điều 355 tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Điều 357 tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ;…

Mục 2 Chương XXIII các tội khác gồm Điều 361 tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, Điều 362 tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất bí mật tài liệu công tác,

Chương XVIII Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gồm Điều 217 tội vi phạm quy định về cạnh tranh, Điều 222 tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng…

  1. Những biện pháp hạn chế tham mưu sai
  2. a) Quy định những điều kiện và tiêu chuẩn bắt buộc trong tuyển dụng cán bộ, công chức:

Cán bộ, công chức có nhiệm vụ tham mưu được tuyển chọn từ những người có tri thức, hiểu biết sâu rộng từ khắp các nơi trên lãnh thổ, trách nhiệm và sứ mệnh của những người này là rất lớn. Vì vậy công tác tuyển dụng cán bộ phải hết sức khách quan và ngặt nghèo. Thế nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, ưu tiên “quan hệ”, “tiền tệ”,… năng lực chuyên môn không được coi trọng. Cần phải khách quan, minh bạch trong tuyển dụng cán bộ, công chức và có những chế tài xử lý mạnh với những trường hợp tiêu cực. Làm được như vậy sẽ thanh lọc được bộ máy nhân sự, giữ lại những người có năng lực, trình độ thực sự. Từ đó, công tác tham mưu được bảo đảm.

  1. b) Quy định những điều được làm và không được làm trong khi thi hành công vụ.

Hiện nay, Điều 9 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định cụ thể về nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ:“1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 2. Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.3. Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.4. Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. 6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Điều 15 Luật cán bộ, công chức 2008 về đạo đức cán bộ, công chức quy định:Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ”.

Cũng tại Mục 4 chương II Luật này quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm.

Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm và năng lực của người lãnh đạo, chỉ khi người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị đó có đủ năng lực, tư duy sáng suốt, minh bạch thì người tham mưu mới có thể tốt, toàn bộ bộ máy giúp việc mới có thể hoạt động hiệu quả. Nếu người đứng đầu không có năng lực, dễ dàng bị dẫn dắt bởi tham mưu sai trong các quyết định do chính người đó đưa ra, và để không bị phụ thuộc vào bộ máy giúp việc đi kèm, người lãnh đạo phải có đầu óc của nhà lãnh đạo chứ không thể quan liêu, làm ngơ hoặc thiếu trách nhiệm với hoạt động quản lý và xây dựng kinh tế, xã hội.

2019-11-26T17:12:29+00:00 Tháng Mười Hai 4th, 2018|Tin tức|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494