Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Người thừa kế bao gồm người thừa kế theo di chúc và người thừa kế theo pháp luật. Người thừa kế theo pháp luật được xác định dựa trên diện và hàng thừa kế.
I/ Người thừa kế theo pháp luật gồm những ai?
1/ Diện thừa kế
Diện thừa kế được xác định trên các mối quan hệ sau:
– Quan hệ hôn nhân;
– Quan hệ huyết thống;
– Quan hệ nuôi dưỡng.
2/ Hàng thừa kế
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
3/ Người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc
a) Những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
– Con thành niên mà không có khả năng lao động.
b) Trường hợp và điều kiện hưởng di sản
– Các trường hợp cần áp dụng quy định:
+ Không được người lập di chúc cho hưởng: không được chia theo di chúc hoặc bị truất quyền hưởng di sản;
+ Được hưởng phần di sản nhỏ hơn 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật
– Điều kiện:
+ Không từ chối nhận di sản;
+ Không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản.
c) Phần di sản được hưởng
– Được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.
– Phần di sản được chia cho những người này được lấy ra từ những người được hưởng di sản theo di chúc theo tỷ lệ mà họ được hưởng theo thứ tự: lấy từ phần theo di chúc trước, còn thiếu thì lấy đến người được chia theo pháp luật, di tặng, thờ cúng.
II/ Nguyên tắc chia thừa kế theo pháp luật
1/ Trường hợp áp dụng
– Không có di chúc;
– Di chúc không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
2/ Nguyên tắc chia di sản thừa kế cho những người thừa kế theo pháp luật
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Trường hợp thai nhi mới thành lúc chia thừa kế khi sinh ra còn sống cũng được hưởng phần bằng với những người thừa kế cùng hàng.
– Thứ tự chia: hàng thứ nhất, hàng thứ hai, hàng thứ ba. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
– Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.