Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

Theo quy định pháp luật việc chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản phải dựa các căn cứ pháp luật quy định. Việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật có thể làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả cho chủ sở hữu, người có quyền khác với tài sản.

 

I/ Chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

 

1/ Chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật

Chiếm hữu, sử dụng tài sản không dựa trên những căn cứ mà pháp luật quy định tại khoản 1 điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015 được coi là chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật.

Khoản 1 điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:

a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.”

 

2/ Được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

Được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật là sự phát sinh quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đối với một tài sản mà không dựa trên căn cứ luật định.

Chủ thể được lợi về tài sản coi tài sản đó là của mình, không biết tài sản đó là của người khác.

Tuy việc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật có làm giảm sút một phần tài sản nhưng không phải hành vi trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Chủ thể được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật có nghĩa vụ hoàn trả khoản lợi đó cho chủ sở hữu, người có quyền khác với tài sản.

 

II/ Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

 

1/ Điều kiện xác lập nghĩa vụ hoàn trả

– Chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu (trừ trường hợp có quy định khác).

+ Có việc chiếm hữu, sử dụng tài sản;

+ Việc chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật.

– Được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật: Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu (trừ trường hợp có quy định khác).

+ Có sự gia tăng giá trị tài sản/thụ hưởng lợi ích;

+ Có thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu, người có quyền khác với tài sản, người bị thiệt hại;

+ Mối quan hệ nhân – quả giữa việc một người được lợi và một người khác chịu thiệt hại.

+ Lỗi của chủ tài sản, người có quyền khác, người bị thiệt hại với tài sản;

+ Việc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

 

2/ Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

– Hoàn trả tài sản gốc: Điều 580 Bộ luật Dân sự năm 2015

+ Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được.

+ Trường hợp tài sản hoàn trả là vật đặc định thì phải hoàn trả đúng vật đó; nếu vật đặc định đó bị mất hoặc hư hỏng thì phải đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp tài sản hoàn trả là vật cùng loại, nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì phải trả vật cùng loại hoặc đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả khoản lợi về tài sản đó cho người bị thiệt hại bằng hiện vật hoặc bằng tiền.

– Hoàn trả hoa lợi, lợi tức: Điều 581 Bộ luật Dân sự năm 2015

+ Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

+ Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, trừ trường hợp ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu (trừ trường hợp có quy định khác).

– Trường hợp tài sản đã được chuyển giao cho người thứ ba: Điều 582 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Trường hợp người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật đã giao tài sản cho người thứ ba thì khi bị chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản yêu cầu hoàn trả, người thứ ba có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đó, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác; nếu tài sản đó đã được trả bằng tiền hoặc có đền bù thì người thứ ba có quyền yêu cầu người đã giao tài sản cho mình bồi thường thiệt hại.”

– Nghĩa vụ thanh toán: Điều 583 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản, người bị thiệt hại được hoàn trả tài sản thì phải thanh toán chi phí cần thiết mà người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình đã bỏ ra để bảo quản, làm tăng giá trị của tài sản.”

2021-10-07T23:39:34+00:00 Tháng Mười 7th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494