Năng lực, trách nhiệm dân sự của pháp nhân

Pháp nhân là chủ thể pháp luật có tư cách pháp lý độc lập và nhân danh chính mình khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Năng lực, trách nhiệm dân sự của pháp nhân được pháp luật quy định để điều chỉnh pháp nhân khi tham gia vào các quan hệ pháp luật.

 

I/ Năng lực chủ thể dân sự của pháp nhân

 

Pháp nhân là tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Được thành lập hợp pháp;

– Có cơ cấu tổ chức theo quy định;

– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Năng lực chủ thể pháp luật dân sự gồm năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của pháp nhân phát sinh đồng thời và tồn tại tương ứng với thời điểm thành lập và chấm dứt pháp nhân ( đối với pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực chủ thể phát sinh kể từ thời điểm đăng ký).

Năng lực chủ thể của pháp nhân phải phù hợp với mục đích hoạt động và lĩnh vực hoạt động của pháp nhân đó. Do đó, các pháp nhân có năng lực chủ thể khác nhau.

 

II/ Trách nhiệm dân sự của pháp nhân

 

– Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Để tham gia vào các quan hệ pháp luật, pháp nhân phải thông qua hoạt động của pháp nhân. Hoạt động của pháp nhân được tiến hành thông qua hành vi người đại diện, thành viên của pháp nhân.

Đại diện của pháp nhân được thực hiện dưới hai hình thức:

+ Đại diện theo pháp luật: Pháp nhân có thể một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân trong phạm vi và thời hạn quy định. Người đại diện của pháp nhân có quyền nhân danh pháp nhân thực hiện các hành vi theo quy định pháp luật và Điều lệ pháp nhân.

+ Đại diện theo uỷ quyền: Người đại diện theo pháp luật có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện. Người được uỷ quyền thực hiện công việc trong phạm vi được ủy quyền.

– Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trách nhiệm dân sự của pháp nhân được thực hiện trong phạm vi tài sản của pháp nhân:

+ Việc xác lập, thực hiện các hoạt động của thành viên pháp nhân không nhân danh pháp nhân hoặc vượt quá phạm quy quyền hạn thì các thành viên phải tự chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp luật có quy định khác.

+ Các thành viên không chịu trách nhiệm dân sự đối với các hoạt động của pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Pháp nhân tự mình chịu trách nhiệm đối với những hoạt động của mình và độc lập.

– Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2021-10-01T20:39:39+00:00 Tháng Chín 13th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|Chức năng bình luận bị tắt ở Năng lực, trách nhiệm dân sự của pháp nhân

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494