Thuê tài sản là một trong các giao dịch phổ biến trên thị trường, nhất là ở các thành phố lớn, tập trung đông người, nhu cầu về thuê chỗ ở, mặt bằng kinh doanh rất cao. Cần hiểu rõ các đặc điểm của Hợp đồng thuê tài sản để soạn thảo đúng theo quy định của pháp luật và đạt được mục đích khi tham gia giao dịch.
I/ Khái niệm Hợp đồng thuê tài sản
1/ Định nghĩa
Điều 472 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.”
2/ Đặc điểm pháp lý
– Là sự thỏa thuận giữa các bên;
– Là hợp đồng song vụ:
+ Bên Cho thuê: giao tài sản thuê, bảo đảm quyền sử dụng hợp pháp của tài sản thuê,
+ Bên Thuê: thanh toàn tiền thuê, sử dụng tài sản thuê đúng mục đích, công dụng, giữ gìn, bảo quản và hoàn trả tài sản thuê;
– Là hợp đồng có đền bù:
+ Bên Thuê được sử dụng tài sản thuê;
+ Bên Cho thuê được trả một khoản tiền;
– Đối tượng của hợp đồng: là tư liệu sản xuất hoặc tư liệu tiêu dùng (vật đặc định, không tiêu hao); quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển, công nghệ… Tiền không phải đối tượng của hợp đồng thuê.
3/ Hình thức
Các bên được thỏa thuận về hình thức hợp đồng thuê, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ví dụ: Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì Hợp đồng phải được lập thành văn bản có công chứng/chứng thực.
II/ Nội dung cơ bản của Hợp đồng thuê tài sản
Khi giao kết Hợp đồng thuê tài sản, các bên thỏa thuận các nội dung cơ bản sau:
– Chủ thể của Hợp đồng;
– Tài sản thuê: nêu rõ đặc điểm của tài sản cho thuê;
– Phương thức giao tài sản thuê;
– Giá thuê và phương thức thanh toán;
– Thời hạn thuê (đặc biệt chú ý đối với Hợp đồng thuê bất động sản như nhà chung cư, quyền sử dụng đất vì liên quan đến thời hạn sử dụng của chủ sở hữu nhà, chủ quyền sử dụng đất);
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Trách nhiệm quản lý tài sản, sửa chữa trong các trường hợp;
– Biện pháp bảo đảm: phổ biến nhất là đặt cọc hoặc ký cược;
– Trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng: phạt và bồi thường thiệt hại;
– Sự kiện bất khả kháng: điều này các chủ thể thường không quá quan tâm, nhưng trong thời gian dịch bệnh Covid vừa qua, khi nhiều cơ sở kinh doanh phải tạm đóng cửa thì họ có phải trả tiền thuê không, đây có được coi là trường hợp bất khả kháng để miễn trừ nghĩa vụ?