Hoạt động mua bán hàng hóa

Hoạt động mua bán hàng hóa là hoạt động cơ bản và phổ biến nhất hiện nay trong hoạt động kinh doanh thương mại.

 

I/ Hoạt động mua bán hàng hóa là gì?

 

1/ Định nghĩa

Khoản 8 điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định:“Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.”

 

2/ Đặc điểm pháp lý của hoạt động mua bán hàng hóa

– Mua bán hàng hóa khác với mua bán tài sản thông thường ở chỗ chủ thể của hoạt động mua bán hàng hóa phải có ít nhất một bên là thương nhân.

– Đối tượng:

+ Là hàng hóa được quy định tại khoản 2 điều 3 Luật Thương mại năm 2005, cụ thể:

“Hàng hóa bao gồm:

a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

b) Những vật gắn liền với đất đai.”

– Có sự chuyển dịch hàng hóa và chuyển giao quyền sở hữu từ bên bán sang bên mua.

– Mục đích: sinh lời.

 

3/ Hàng hóa cấm kinh doanh

Hàng hóa cấm kinh doanh là các hàng hóa mà việc lưu thông, mua bán ảnh hưởng xấu đến trật tự, an tòa xã hội, anh ninh, quốc phòng; sức khỏe người dân; lịch sử, văn hóa, thuần phong, mỹ tục và môi trường. Điều 25 Luật Thương mại năm 2005 quy định về Hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện như sau:

“1. Căn cứ vào điều kiện kinh tế – xã hội của từng thời kỳ và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh hàng hóa đó.

2. Đối với hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện, việc mua bán chỉ được thực hiện khi hàng hoá và các bên mua bán hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.”

 

II/ Một số hoạt động mua bán hàng hóa đặc biệt

 

1/ Mua bán hàng hóa quốc tế

Mua bán hàng hóa quốc tế là hoạt động mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài:

– Hàng hoá là đối tượng của hợp đồng đang ở nước ngoài;

– Hoặc căn cứ phát sinh, thay đổi, chấm dứt hoạt động mua, bán hàng hoá diễn ra ở nước ngoài;

– Hoặc ít nhất một bên mang quốc tịch nước ngoài.

Các hình thức mua bán hàng hóa quốc tế:

– Xuất khẩu;

– Nhập khẩu;

– Tạm nhập, tái xuất;

– Chuyển khẩu.

Xuất, nhập khẩu là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế phổ biến nhất hiện nay.

 

2/ Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa

Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua Sở giao dịch hàng hoá theo những tiêu chuẩn của Sở giao dịch hàng hoá với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.

– Đối tượng: hàng hóa hình thành trong tương lai;

– Việc mua bán hàng hóa không trực tiếp giao dịch, nhận hàng mà thông qua bên thứ ba là Sở giao dịch hàng hóa;

– Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494