Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

Vượt quá phạm vi đại diện khá là phổ biến hiện nay, nhất là đối với các pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật và có quy định về giới hạn giao dịch đại diện trong Điều lệ. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện được quy định tại điều 143 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

I/ Đại diện và phạm vi đại diện

 

1/ Đại diện

Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Đại diện gồm:

– Đại diện theo pháp luật: người đại diện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

– Đại diện theo ủy quyền: theo ủy quyền giữa người được đại diện với người đại diện được ủy quyền.

 

2/ Phạm vi đại diện

Phạm vi đại diện là giới hạn đại diện (lĩnh vực, lãnh thổ, nội dung công việc, giá trị giao dịch, chủ thể giao dịch…) được xác định trong nội dung của:

– Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

– Điều lệ của pháp nhân;

– Nội dung ủy quyền;

– Quy định khác của pháp luật.

Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.

 

II/ Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

 

1/ Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

– Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện.

– Người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

– Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp người được đại diện đồng ý.

– Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

 

2/ Trường hợp ngoại lệ

Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện vẫn có hiệu lực pháp luật đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện trong các trường hợp sau đây:

– Người được đại diện đồng ý;

– Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

– Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

 

2021-10-20T22:37:54+00:00 Tháng Mười 20th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494