Khi ly hôn, nếu hai bên không thỏa thuận được về một trong các vấn đề: ly hôn, con chung, tài sản, án phí,… sẽ được giải quyết theo thủ tục giải quyết tranh chấp ly hôn.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
1/ Quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp ly hôn
– Một trong hai bên vợ chồng hoặc cả hai;
– Trong trường hợp một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ hoặc người thân thích khác có quyền yêu cầu.
2/ Thẩm quyền giải quyết tranh chấp ly hôn
– Thẩm quyền theo vụ việc: Tòa án nhân dân
– Thẩm quyền theo lãnh thổ:
+ Tòa án nơi bị đơn cư trú
+ Tòa án nơi nguyên đơn cư trú nếu: hai bên thỏa thuận hoặc không biết rõ nơi cư trú của bị đơn hoặc bị đơn không có nơi cư trú, làm việc ở Việt Nam.
Lưu ý: nơi cư trú gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
– Thẩm quyền theo cấp:
+ Tòa án nhân dân cấp huyện: không yếu tố nước ngoài hoặc trường hợp giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam do tòa án nhân dân cấp huyện biên giới đó giải quyết.
+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh: có yếu tố nước ngoài (có đương sự ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp).
3/ Thủ tục giải quyết tranh chấp ly hôn
Thủ tục giải quyết tranh chấp ly hôn là thủ tục giải quyết vụ án theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự:
– Nộp hồ sơ ly hôn (bao gồm nhưng không giới hạn: đơn ly hôn, bản chính giấy chứng nhận kết hôn, bản sao CMND/CCCD/Sổ hộ khẩu, bản sao giấy khai sinh của con, bản sao giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất,…)
– Nhận kết quả xử lý đơn
– Sau khi được thụ lý: Nộp tiền tạm ứng án phí
– Tòa án triệu tập lấy lời khai, hòa giải
– Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
– Sau khi có bản án của tòa nếu một trong các bên không đồng tình: có thể kháng cáo (thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án/quyết định).
– Thời gian giải quyết sơ thẩm: 04 tháng, kể từ ngày tòa án thụ lý vụ án ly hôn.
Lưu ý:
– Chuyển từ thủ tục giải quyết vụ án sang thủ tục giải quyết việc dân sự: khi Tòa án tiến hành hòa giải mặc dù hai bên vẫn quyết định ly hôn, nhưng thỏa thuận được về quan hệ ly hôn, tài sản, con chung (nếu có), án phí,… Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự.
– Chuyển từ thủ tục giải quyết việc dân sự sang thủ tục giải quyết vụ án: ban đầu hai bên thuận tình ly hôn nhưng khi giải quyết tại tòa án phát sinh tranh chấp về quan hệ hôn nhân, tài sản, con chung (nếu có), án phí,… Thẩm phán sẽ đình chỉ giải quyết việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết.