Đăng ký biện pháp bảo đảm

Biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật. Việc đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

 

I/ Các trường hợp phải đăng ký biện pháp bảo đảm theo luật định

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.

Các trường hợp bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm – điều kiện có hiệu lực của giao dịch đảm bảo:

– Thế chấp quyền sử dụng đất;

– Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

– Thế chấp tàu biển.

 

II/ Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm khi có yêu cầu

Các biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu, gồm:

– Thế chấp tài sản là động sản khác;

– Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;

– Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.

 

III/ Hệ quả pháp lý của đăng ký biện pháp bảo đảm

 

1/ Hiệu lực của giao dịch bảo đảm

– Đối với các trường hợp buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm thì việc đăng ký là điều kiện có hiệu lực của giao dịch bảo đảm.

– Thời điểm có hiệu lực của biện pháp bảo đảm:

+ Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.

+ Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

 

2/ Hiệu lực đối kháng với người thứ ba

– Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

– Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và luật khác có liên quan.

Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm

“1. Khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:

a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;

b) Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;

c) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.

2. Thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.”

2021-10-01T20:37:52+00:00 Tháng Chín 13th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|Chức năng bình luận bị tắt ở Đăng ký biện pháp bảo đảm

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494