Đại diện trong tố tụng dân sự

Quy định về người đại diện trong tố tụng dân sự là chế định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nhất là trong trường hợp đương sự không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.

 

I/ Người đại diện của đương sự trong vụ án, việc dân sự

 

1/ Người đại diện của đương sự là gì?

Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.

Trong trường hợp pháp nhân là người đại diện của đương sự thì người có thẩm quyền tham gia giải quyết là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó. Trong trường hợp, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền cho cá nhân khác thì phải được sự đồng ý của đương sự.

 

2/ Phân loại

– Người đại diện theo pháp luật;

– Người đại diện do tòa án chỉ định;

– Người đại diện theo ủy quyền (đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng).

 

II/ Các trường hợp bị hạn chế đại diện trong tố tụng dân sự

 

Căn cứ pháp lý: điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Các trường hợp không được làm người đại diện bao gồm:

– Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;

– Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.

– Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

 

III/ Chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự

 

1/ Trường hợp chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự

Điều 89 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự.”

Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thời hạn đại diện được xác định như sau:

a) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;

b) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

3. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận;

b) Thời hạn ủy quyền đã hết;

c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;

g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

4. Đại diện theo pháp luật chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;

b) Người được đại diện là cá nhân chết;

c) Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

d) Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.”

 

2/ Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự

– Trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật mà người được đại diện đã thành niên hoặc đã khôi phục năng lực hành vi dân sự thì người đó tự mình tham gia tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự theo thủ tục Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định.

– Trường hợp chấm dứt đại diện theo ủy quyền thì đương sự hoặc người thừa kế của đương sự trực tiếp tham gia tố tụng hoặc ủy quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng theo thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định.

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494