CÓ PHẢI CHỈ CÓ CON TRAI MỚI ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN NHÀ ĐẤT CHO BỐ MẸ ĐỂ LẠI?

Có phải chỉ con trai mới được hưởng di sản nhà đất bố mẹ để lại?

Các thế hệ người Việt Nam thời xa xưa thường quan niệm di sản bố mẹ để lại mặc nhiên là của con trai, con gái không có phần. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay thì quan niệm đó đã không còn đúng dưới sự điều chỉnh của pháp luật.

  1. Có phải chỉ con trai mới được hưởng di sản nhà đất bố mẹ để lại?

Căn cứ pháp lý: Điều 610 Bộ luật dân sự 2015

Theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2015 về quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Như vậy, quyền hưởng di sản thừa kế của cá nhân sẽ không có sự phân biệt về giới tính giữa nam và nữ, giữa con trai và con gái. Do đó, không phải chỉ con trai mới được hưởng di sản là nhà đất bố mẹ để lại mà con gái cũng có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

  1. Quy định pháp luật đối với trường hợp thừa kế theo di chúc

Căn cứ pháp lý: Điều 624, Điều 626 Bộ luật dân sự 2015

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Người lập di chúc có các quyền sau đây:

  • Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
  • Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
  • Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
  • Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
  • Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Như vậy, trường hợp bố mẹ chết có để lại di chúc hợp pháp thì việc chia di sản thừa kế sẽ phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Di chúc thể hiện chia di sản cho ai thì người này có quyền hưởng, không phân biệt là con trai hay con gái.

Tuy nhiên, cần lưu ý các trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự bao gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc có quyền hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. (Quy định này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật dân sự 2015)

  1. Quy định pháp luật đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật

Căn cứ pháp lý: Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 652 Bộ luật dân sự 2015

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Những trường hợp thừa kế theo pháp luật quy định bao gồm:

  • Không có di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Người để lại di sản chết mà thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật, cụ thể là chia theo hàng thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

  1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
  2. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  3. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  4. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  5. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
  6. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, bố mẹ chết thuộc trường hợp chia di sản theo pháp luật thì các con thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau không phân biệt con trai hay con gái, trừ trường hợp người thừa kế không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Trường hợp trong hàng thừa kế thứ nhất còn những người khác bao gồm vợ, chồng, cha, mẹ của người chết thì di sản phải chia cho cả những người này.

—————————

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu bạn đang gặp khó khăn về mặt pháp lý và mong muốn được tư vấn, hỗ trợ bởi đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực? Hãy liên hệ CÔNG TY LUẬT HỢP DANH INCIP.

Chi tiết liên hệ:

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH INCIP – INCIP LAWFIRM

Địa chỉ: Số 24, ngõ 463, Đội Cấn, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: 024-62730271/0964478877

Email: incip@incip.com.vn            Website: www.incip.com.vn

 

 

 

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494