Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự phát sinh không xuất phát từ quan hệ hợp đồng, các chủ thể trước đó không có quan hệ hợp đồng hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký kết.

 

I/ Căn cứ pháp sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

 

Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:

– Có thiệt hại thực tế xảy ra: vật chất/tinh thần;

– Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật;

– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi – thiệt hai xảy ra;

– Có lỗi chủ thể: cố ý hoặc vô ý. Đối với trường hợp thiệt hại do tài sản như vật nuôi, cây cối, phương tiện…gây ra, lỗi được xác định là lỗi trong việc quản lý tài sản hoặc không có lỗi quản lý nhưng là trách nhiệm cho chủ sở hữu tài sản.

 

II/ Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

– Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

– Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

– Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

– Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

 

III/ Xác định thiệt hại

 

1/ Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

– Giá trị tài sản bị mất, bị hủy hoặc bị hư hỏng;

– Giá trị phần lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút do hành vi gây thiệt hại;

– Chị phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại;

– Thiệt hại khác do luật định.

 

2/ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại hoặc mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được

– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;

– Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc;

– Khoản bù đắp tổn thất về tinh thần: theo thỏa thuận hoặc không quá 50 lần mức lương cơ sở;

– Thiệt hại khác do luật định.

 

3/ Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

– Tất cả chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm;

– Chi phí hợp lý do việc mai tang;

– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại: theo thỏa thuận hoặc không quá 100 lần mức lương cơ sở;

– Thiệt hại khác theo quy định pháp luật.

 

4/ Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị gảm sút của người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín

– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần: theo thỏa thuận hoặc không quá 10 lần mức lương cơ sở;

– Thiệt hại khác theo quy định pháp luật.

 

5/ Thiệt hại do thi thể bị xâm phạm

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết: theo thỏa thuận hoặc không quá 30 lần mức lương cơ sở.

 

6/ Thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại

– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người theo thứ tự hàng thừa kế của người chết: theo thỏa thuận hoặc không quá 10 lần mức lương cơ sở.

2021-10-28T18:39:30+00:00 Tháng Mười 28th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494