Bảo lãnh là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
I/ Bảo lãnh là gì?
Bảo lãnh là một trong các biện pháp bảo đảm được quy định tại khoản 7 điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Điều 335 quy định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
1/ Chủ thể của bảo lãnh
Quan hệ bảo lãnh gồm các chủ thể sau:
– Bên bảo lãnh: bên thứ ba cam kết thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ với bên có quyền;
– Bên nhận bảo lãnh: bên có quyền trong giao dịch được bảo đảm;
– Bên được bảo lãnh: bên có nghĩa vụ trong giao dịch được bảo đảm.
2/ Đối tượng và phạm vi bảo lãnh
– Đối tượng: cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh. Có thể là:
+ Tài sản;
+ Hoặc thực hiện công việc nhất định phù hợp với nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh phải thực hiện với bên nhận bảo lãnh
– Phạm vi bảo lãnh: một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh cho bên được bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3/ Nội dung bảo lãnh
– Bên bảo lãnh:
+ Dùng tài sản thuộc sở hữu của mình
+ Hoặc tự mình thực hiện một công việc để chịu trách nhiệm thay cho người được bảo lãnh nếu người này vi phạm nghĩa vụ hoặc gây ra thiệt hại cho bên nhận bảo lãnh.
– Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:
+ Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt;
+ Bên bảo lãnh thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh;
+ Việc bảo lãnh được hủy bỏ/ thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
+ Hoặc theo thỏa thuận của các bên.
– Nhiều người cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ:
+ Họ phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác;
+ Bên nhận bảo lãnh có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
+ Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.
– Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong các trường hợp sau:
+ Bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
+ Trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ: nếu chỉ một người được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
+ Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.
– Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh: Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
II/ Thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Theo quy định của điều 335 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bên bảo lãnh “sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”; “các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình”.
Theo đó, thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là:
– Khi nghĩa vụ được bảo lãnh đến thời hạn thực hiện mà bên được bảo lãnh:
+ Không thực hiện nghĩa vụ;
+ Hoặc thực hiện nhưng không đúng.
– Khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình