Ban kiểm soát là một thiết chế trong cơ cấu tổ chức quản lý của công ty, có vai trò quan trọng là giúp các cổ đông kiểm tra, giám sát việc quản lý, điều hành, hoạt động của công ty hợp pháp, hợp lý, phù hợp với mong muốn và lợi ích của chủ sở hữu công ty.
I/ Ban kiểm soát trong Công ty TNHH
1/ Các trường hợp phải lập Ban kiểm soát
a) Công ty TNHH 02 thành viên trở lên
Khoản 2 điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Ban Kiểm soát có trong cơ cấu tổ chức của các Công ty TNHH 02 thành viên trở lên sau: “
– Doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020;
– Công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88;
– Các trường hợp khác do công ty quyết định.
Khoản 1 điều 88: “1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”
b) Công ty TNHH MTV do tổ chức làm chủ sở hữu
Căn cứ khoản 2 điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Ban kiểm soát trong Công ty TNHH MTV được thành lập trong các trường hợp sau:
– Công ty có chủ sở hữu công ty là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020;
– Trường hợp khác do công ty quyết định.
2/ Quy định về Ban kiểm soát trong Công ty TNHH
Ban kiểm soát trong công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định tại điều 65 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, Ban kiểm soát có đặc điểm pháp lý sau:
– Số lượng thành viên: từ 01 đến 05 Kiểm soát viên.
– Nhiệm kỳ Kiểm soát viên: không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
– Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.
II/ Ban kiểm soát trong Công ty Cổ phần
1/ Trường hợp phải có Ban kiểm soát trong cơ cấu tổ chức Công ty Cổ phần
Khoản 1 điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:
“1. Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.”
2/ Quy định về Ban kiểm soát trong Công ty Cổ phần
Căn cứ pháp lý: điều 168 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
– Số lượng: từ 03 đến 05 Kiểm soát viên.
– Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên: không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
– Trưởng Ban kiểm soát do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số Kiểm soát viên thường trú tại Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.
– Trường hợp Kiểm soát viên có cùng thời điểm kết thúc nhiệm kỳ mà Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới chưa được bầu thì Kiểm soát viên đã hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ cho đến khi Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới được bầu và nhận nhiệm vụ.
Trong cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần các cơ quan quản lý có sự phân chia quyền lực và chế ước lẫn nhau. Ban kiểm soát trong Công ty Cổ phần được pháp luật xác định địa vị pháp lý một cách rõ ràng, trong đó:
– Chức năng quan trọng nhất của Ban kiểm soát là thực hiện việc giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.
– Ban kiểm soát có quyền được cung cấp thông tin. Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về quản lý, điều hành và hoạt động của công ty theo yêu cầu của Kiểm soát viên hoặc Ban kiểm soát.