Hợp đồng gửi giữ tài sản

Gửi giữ tài sản là giao dịch phổ biến hiện nay, như gửi giữ xe máy, xe đạp, gửi đồ tài siêu thị, hàng xóm gửi giữ nhờ đồ vật…. Bộ luật Dân sự quy định về Hợp đồng gửi giữ tài sản để xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong quan hệ gửi giữ tài sản.

 

I/ Hợp đồng gửi giữ tài sản là gì?

 

Điều 554 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.”

Đặc điểm pháp lý của Hợp đồng gửi giữ tài sản:

– Đối tượng: Tài sản là động sản được phép lưu thông.

– Là hợp đồng song vụ:

+ Bên gửi tài sản có nghĩa vụ: thông báo về tình trạng tài sản khi gửi giữ, nhận lại tài sản và trả thù lao (nếu có) cho bên giữ tài sản khi hết thời hạn hoặc khi có yêu cầu.

+ Bên giữ tài sản có nghĩa vụ: bảo quản tài sản, tránh mất mát, hư hỏng, trả lại tài sản cho bên gửi khi hết thời hạn gửi giữ hoặc theo yêu cầu.

– Là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù: trả tiền công: có đền bù; không trả tiền công: không đền bù.

 

II/ Quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản

 

1/ Quyền và nghĩa vụ của bên gửi tài sản

– Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.

– Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

– Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

– Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.

 

2/ Quyền và nghĩa vụ của bên giữ tài sản

– Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thỏa thuận.

– Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công.

– Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn.

– Bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.

– Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

– Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

– Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

– Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

 

3/ Trả lại tài sản gửi giữ

– Bên giữ phải trả lại chính tài sản đã nhận và cả hoa lợi nếu có, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Địa điểm trả tài sản gửi giữ là nơi gửi; nếu bên gửi yêu cầu trả tài sản ở địa điểm khác thì phải chịu chi phí vận chuyển đến nơi đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Bên giữ phải trả lại tài sản đúng thời hạn và chỉ có quyền yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn, nếu có lý do chính đáng.

– Bên giữ tài sản chậm giao tài sản: Bên giữ tài sản không được yêu cầu bên gửi trả tiền công và thanh toán các chi phí về bảo quản, kể từ thời điểm chậm giao và phải chịu rủi ro đối với tài sản trong thời gian chậm giao tài sản.

– Bên gửi tài sản chậm nhận tài sản: Bên gửi phải thanh toán các chi phí về bảo quản và tiền công cho bên nhận giữ tài sản trong thời gian chậm nhận.

 

4/ Trả tiền công trong Hợp đồng gửi giữ tài sản

– Bên gửi phải trả đủ tiền công khi lấy lại tài sản gửi giữ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp các bên không thỏa thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình tại địa điểm và thời điểm trả tiền công.

– Khi bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì vẫn phải trả đủ tiền công và thanh toán chi phí cần thiết phát sinh từ việc bên giữ phải trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Khi bên giữ yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì bên giữ không được nhận tiền công và phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2021-10-28T18:42:25+00:00 Tháng Mười 28th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494