Chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ

Chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ đều dẫn tới thay đổi chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự.

 

I/ Chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ là gì?

 

1/ Chuyển giao quyền yêu cầu

Cơ sở pháp lý: Điều 365 đến 369 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận giữa người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ dân sự với người thứ ba nhằm chuyển giao quyền yêu cầu cho người thứ ba đó. Người thứ ba đó trở thành người có quyền, được quyền yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ theo phạm vi quyền yêu cầu được chuyển giao.

– Không được chuyển giao quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.

– Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu.

– Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

– Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.

+ Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.

+ Trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.

– Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ sau khi chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.

 

2/ Chuyển giao nghĩa vụ

Cơ sở pháp lý: Điều 370, 371 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Chuyển giao nghĩa vụ là sự thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ dân sự với người thứ ba trên cơ sở có sự đồng ý của người có quyền nhằm chuyển nghĩa vụ cho người thứ ba đó. Người thứ ba đó trở thành người có nghĩa vụ mới phải thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của người có quyền trong phạm vi nghĩa vụ đã được xác định.

– Phải được sự đồng ý của bên có quyền.

– Nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.

– Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.

– Trường hợp nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

II/ So sánh chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ

 

1/ Điểm giống nhau giữa chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ

– Điều kiện thực hiện: các quan hệ quyền/nghĩa vụ còn hiệu lực; trường hợp hai bên đã thoả thuận hoặc pháp luật quy định không chuyển giao thì không được chuyển giao.

– Nghĩa vụ thông báo: đều phải thông báo cho bên có quyền/nghĩa vụ biết về việc chuyển giao nghĩa vụ/quyền.

– Hậu quả pháp lý:

+  Chấm dứt tư cách chủ thể của người chuyển giao quyền/nghĩa vụ;

+  Phát sinh tư cách chủ thể đối với bên được chuyển giao.

 

2/ Phân biệt chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ

Tiêu chí Chuyển giao quyền yêu cầu Chuyển giao nghĩa vụ
Đối tượng có quyền chuyển giao Bên có quyền Bên có nghĩa vụ
Nguyên tắc Không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ Phải có sự đồng ý của bên có quyền
Hiệu lực biện pháp bảo đảm Biện pháp bảo đảm được chuyển giao sang người thế quyền Trường hợp nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
Nghĩa vụ với người thứ ba thế quyền/thế nghĩa vụ Phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền, nếu vi phạm việc cung cấp thông tin, giấy tờ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại Không quy định
Hình thức thông báo Thông báo bằng văn bản Phải thông báo nhưng không quy định hình thức

 

2021-10-07T23:15:08+00:00 Tháng Mười 7th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494