Quy định về việc huy động vốn tại dự án kinh doanh bất động sản

Một trong những hình thức hỗ trợ tài chính cho người mua nhà tại các dự án cũng như hỗ trợ chủ đầu tư là hình thức huy động vốn. Vậy, việc huy động vốn phải được chủ đầu tư tiến hành như thế nào để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho tất cả các bên?

 

1/ Nguyên tắc huy động vốn cho phát triển nhà ở

+ Hình thức huy động vốn phải phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định của Luật nhà ở. Các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý.

+ Tổ chức, cá nhân huy động vốn phải có đủ điều kiện để huy động vốn theo quy định của pháp luật về nhà ở.

+ Bảo đảm công khai, minh bạch; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có vốn cho phát triển nhà ở.

+ Tổ chức, cá nhân phải sử dụng vốn đã huy động vào đúng mục đích phát triển nhà ở đó, không được sử dụng vốn đã huy động cho dự án khác hoặc mục đích khác.

+ Vốn phục vụ cho phát triển nhà ở và thực hiện chính sách nhà ở xã hội phải được quản lý theo quy định của Luật nhà ở, pháp luật có liên quan và theo thỏa thuận của các bên.

 

2/ Điều kiện đối với chủ đầu tư tiến hành huy động vốn

+ Việc huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở phải thông qua hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh; chủ đầu tư chỉ được ký kết các hợp đồng này sau khi có đủ điều kiện sau đây:

+ Đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt theo quy định của pháp luật;

+ Dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng theo tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt;

+ Đã có biên bản bàn giao mốc giới của dự án;

+ Đã có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng nơi có dự án. Chủ đầu tư phải có văn bản kèm theo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện huy động vốn nêu trên gửi Sở Xây dựng đề nghị có văn bản thông báo đủ điều kiện được huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở.

+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư, Sở Xây dựng phải kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ có đủ giấy tờ theo quy định thì Sở Xây dựng phải có văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được huy động vốn gửi chủ đầu tư; nếu hồ sơ chưa có đủ giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được huy động vốn thì phải có văn bản nêu rõ lý do. Trường hợp đã đủ điều kiện huy động vốn theo quy định và chủ đầu tư đã gửi hồ sơ đề nghị nhưng quá thời hạn quy định tại Điểm này mà Sở Xây dựng không có văn bản thông báo thì chủ đầu tư được quyền ký hợp đồng huy động vốn nhưng phải chịu trách nhiệm về việc huy động vốn này; Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm về việc thông báo hoặc không có văn bản thông báo việc đủ điều kiện được huy động vốn sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư.

 

3/ Nhận biết hình thức huy động vốn trái phép

+ Luật nhà ở và các văn bản pháp luật liên quan yêu cầu tổ chức, cá nhân huy động vốn phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở tại dự án đó; đồng thời nghiêm cấm chủ đầu tư huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở được ứng trước của khách hàng theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc chiếm dụng vốn đã huy động hoặc huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở ứng trước của khách hàng thì phải hoàn lại số tiền đã huy động sai quy định, phải bồi thường (nếu gây thiệt hại) và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

+ Người tiến hành góp vốn cần yêu cầu chủ đầu tư chứng minh, công khai các văn bản chấp thuận của các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với việc huy động vốn, kiểm tra tính pháp lý của Dự án cũng như điều kiện của chủ đầu tư đối với việc huy động vốn.

+ Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết cần lưu ý: Bên tham gia góp vốn chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng. Chủ đầu tư không được áp dụng các hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.

 

LƯU Ý: Nội dung bài viêt trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trong từng trường hợp, thời điểm hay đối tượng khác nhau, các quy định pháp luật thay đổi, nội dung nêu trên có thể không còn phù hợp.

2021-10-01T21:39:16+00:00 Tháng Tám 27th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự, Tư vấn luật đất đai, bất động sản|Chức năng bình luận bị tắt ở Quy định về việc huy động vốn tại dự án kinh doanh bất động sản

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494