Giám hộ

Giám hộ là gì? Những ai cần được giám hộ và ai có thể là người giám hộ? Bộ luật Dân sự năm 2015 có những quy định cụ thể về điều này.

 

I/ Giám hộ là gì?

 

Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).”

Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.

Khoản 2 Điều 48: “Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.”

 

II/ Người giám hộ

 

1/ Chủ thể là người giám hộ:

– Cá nhân: phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

+ Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

+ Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

+ Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Cá nhân làm người giám hộ có thể là: Cha, mẹ, con đã thành niên, anh, chị em, ông, bà và những người thân thích khác).

– Hoặc pháp nhân: phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.

+ Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Pháp nhân làm người giám hộ có thể là: các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện; các Cơ quan lao động, thương binh và xã hội.

 

2/ Nguyên tắc giám hộ:

– Một người có thể giám hộ cho nhiều người;

– Một người chỉ có thể được một người giám hộ; trừ trường hợp bố và mẹ cùng giám hộ cho con, ông và bà cùng giám hộ cho cháu.

 

3/ Đặc điểm pháp lý:

Người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ trong mối quan hệ với Nhà nước và trong hầu hết các giao dịch, trừ các giao dịch đơn giản nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người được giám hộ.

 

III/ Người được giám hộ

 

Người được giám hộ bao gồm:

– Người chưa thành niên:

+ Không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

+ Hoặc có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.

– Người đã thành niên nhưng:

+ Mất năng lực hành vi dân sự;

+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

2021-10-01T22:01:43+00:00 Tháng Tám 26th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|Chức năng bình luận bị tắt ở Giám hộ

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494