Phân biệt đòi nợ thuê, đòi nợ pháp lý và đòi nợ “xã hội đen”

Đòi nợ pháp lý, đòi nợ thuê và đòi nợ “xã hội đen” là những cụm từ thường xuyên được mọi người nhắc đến trong thời gian gần đây, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng về những khái niệm này. Thường chúng ta nhắc đến đòi nợ thuê là nghĩ ngay đến đòi nợ “xã hội đen”, nhưng thực tế thì không phải vậy. Chúng ta đang hướng đến một xã hội văn minh, xã hội thượng tôn pháp luật, nên cách chúng ta đòi nợ cũng phải tuân thủ theo đúng pháp luật. Bài viết sau đây của Hãng luật INCIP sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về các loại hình đòi nợ này.

Trước hết, có lẽ đến nay vẫn chưa có khái niệm nào rõ ràng về đòi nợ pháp lý, đòi nợ thuê và đòi nợ “xã hội đen”, mà các thuật ngữ này do chúng ta tự đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Theo quan điểm của INCIP thì khái niệm đòi nợ thuê là một khái niệm rất rộng, nó bao trùm cả đòi nợ pháp lý và đòi nợ “xã hội đen”. Đòi nợ pháp lý và đòi nợ “xã hội đen” là hai mặt tốt và xấu của vấn đề đòi nợ, quan trọng là cách chúng ta ứng xử thế nào khi đi đòi nợ.

doi-no-xa-hoi-den

Đòi nợ “xã hội đen” là gì?

Đòi nợ “xã hội đen” là cụm từ quen thuộc được nhiều người nhắc đến, hình thức đòi nợ này đã tồn tại từ rất lâu đời và do các băng nhóm tội phạm hay băng nhóm “xã hội đen” thực hiện nên được gọi là đòi nợ “xã hội đen”. Hình ảnh đòi nợ kiểu này được đưa nhiều trên phim ảnh và được thực hiện nhiều trong cuộc sống, khiến người ta cứ nghĩ đến đòi nợ là hình dung ra ngay kiểu đòi nợ “xã hội đen”, kiểu đòi nợ “đâm thuê chém mướn”. Có thể ngày trước khi hệ thống luật pháp chưa phát triển, xã hội còn chưa văn minh thì mọi người chưa am hiểu pháp luật, khi phát sinh một khoản nợ mà không đòi được thì người ta không biết nhờ ai để đòi, nhờ các cơ quan nhà nước thì quan liêu và mất thời gian, nên người ta chỉ còn biết nhờ vào các thế lực “có máu mặt” trong xã hội để giúp họ cho nhanh.

Chính vì vậy, trong một thời gian dài đòi nợ “xã hội đen” có cơ hội được phát triển nở rộ. Các băng nhóm “xã hội đen” dùng các biện pháp bạo lực để uy hiếp con nợ phải trả nợ như nhắn tin khủng bố, dọa đánh người, đổ chất bẩn vào nhà, bắt cóc con tin, … thậm chí đã xảy ra nhiều vụ đánh trọng thương hoặc giết con nợ, phá hoại tài sản của con nợ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng cần phải lên án. Hành động này không những băng nhóm đòi nợ thuê đó phạm tội mà chính chủ nợ cũng có thể phạm tội.

Có thể nói, hành vi của các băng nhóm “xã hội đen” đều là các hành vi cố ý gây tổn thương tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Và những người thực hiện các hành vi này, tùy vào tính chất, mức độ có thể phải chịu phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau đây:

– Tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là 07 năm tù.

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

– Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 05 năm.

Bên cạnh đó, vì người đi vay chưa hoặc không trả nợ đúng hạn nên việc “xã hội đen” đi đòi nợ thuê thực chất là hành vi cưỡng đoạt, thậm chí là cướp tài sản. Trong trường hợp này, người đi đòi nợ thuê có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh:

– Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là chung thân và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

– Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam hoặc có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

doi-no-phap-ly

Đòi nợ pháp lý là gì?

Đòi nợ pháp lý hay gọi cách khác là đòi nợ hợp pháp hay đòi nợ đúng pháp luật. Dịch vụ đòi nợ này đã được chính phủ cho phép bởi Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định tại Điều 1 Nghị định này chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đầy đủ các yếu tố:

a) Có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp;

b) Đã quá hạn thanh toán.

Các khoản nợ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, gồm: các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số thuật ngữ sau:

Nợ: là nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, cá nhân này phải trả tài sản cho tổ chức kinh tế, cá nhân khác;

Chủ nợ: là tổ chức kinh tế, cá nhân có quyền đòi nợ;

Khách nợ: là tổ chức kinh tế, cá nhân có nghĩa vụ trả nợ;

Nợ quá hạn thanh toán: là nợ chưa được khách nợ thanh toán cho chủ nợ khi đã quá thời hạn phải thanh toán theo thoả thuận giữa chủ nợ và khách nợ hoặc đã quá thời hạn phải thanh toán theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hoạt động dịch vụ đòi nợ phải tuân theo 04 nguyên tắc tại Điều 4 Nghị định 104/2007/NĐ-CP như sau:

  1. Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ.
  2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ.
  3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật.
  4. Hoạt động dịch vụ đòi nợ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dịch vụ đòi nợ được quy định tại Điều 11 Nghị định 104/2007/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Đối với chủ nợ hoặc khách nợ:

a) Ủy quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các hoạt động vượt quá quyền được pháp luật công nhận đối với chủ nợ hoặc khách nợ;

b) Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện những hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực đối với người của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ:

a) Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan;

b) Sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Thực hiện các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá phạm vi đã được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền;

d) Đại diện đồng thời cho cả chủ nợ và khách nợ để xử lý đối với cùng một khoản nợ.

Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng). Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.

doi-no-thue

Đòi nợ thuê là gì?

Đòi nợ thuê là một khái niệm rất rộng và chung nhất, nó bao quát cả đòi nợ pháp lý và đòi nợ “xã hội đen”. Đòi nợ thuê không hoàn toàn là đòi nợ “xã hội đen” như mọi người vẫn nghĩ, cũng không hoàn toàn là đòi nợ pháp lý. Đòi nợ thuê có thể thuần túy chỉ là đòi nợ pháp lý hoặc đòi nợ “xã hội đen”, tùy theo người áp dụng nó. Chính vì vậy, chỉ cần phân biệt được đòi nợ pháp lý khác đòi nợ “xã hội đen” như thế nào sẽ giúp chúng ta có hành xử đúng đắn trong việc thu hồi nợ của mình. Và mục tiêu chúng ta hướng đến là một xã hội văn minh, một xã hội thượng tôn pháp luật, do đó cách đòi nợ của chúng ta phải theo pháp luật, cần tránh xa các biện pháp đòi nợ kiểu “xã hội đen”.

 

Trên đây là những phân tích sơ bộ của hãng luật INCIP về đòi nợ thuê, đòi nợ pháp lý và đòi nợ “xã hội đen” khác nhau như thế nào. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề đòi nợ pháp lý và giúp các bạn giải quyết được vấn đề đòi nợ của mình một cách nhanh chóng và chính xác nhất, các bạn hãy vui lòng liên hệ ngay với hãng luật INCIP theo thông tin bên dưới. Hãng luật INCIP được thành lập từ năm 2006 với đội ngũ nhiều luật sư giỏi, có uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và giải quyết các tranh chấp liên quan đến các lĩnh vực pháp lý, cụ thể như sau:

  • Tư vấn và xử lý tranh chấp về kinh doanh, thương mại, đầu tư
  • Tư vấn và xử lý tranh chấp về đất đai
  • Tư vấn và xử lý tranh chấp về hôn nhân và gia đình
  • Tư vấn và xử lý tranh chấp về thừa kế
  • Tư vấn và xử lý tranh chấp về lao động
  • Tư vấn và xử lý tranh chấp về sở hữu trí tuệ
  • Thu hồi nợ pháp lý
  • Án hình sự
  • Đấu giá

Mọi thông tin chi tiết, các bạn vui lòng liên hệ:

HÃNG LUẬT INCIP – LUẬT SƯ TRANH TỤNG

Add: Số 24, ngõ 463, Đội Cấn, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Tel: 024-62730271 | Hotline: 0964478877 | Email: incip@incip.com.vn

Website: www.incip.com.vn

Fanpage: www.facebook.com/luatincip

Group (Hỏi đáp về tố tụng): www.facebook.com/groups/hoidaptotung

2019-11-26T17:04:56+00:00 Tháng Mười Một 4th, 2019|Tư vấn thu hồi nợ|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494