Mong muốn của doanh nghiệp đối với hệ thống chính sách pháp luật và người thực thi pháp luật hiện nay

Mong muốn của doanh nghiệp đối với hệ thống chính sách pháp luật và người thực thi pháp luật hiện nay

  1. Thực trạng áp dụng và thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp

            Những năm gần đây, vị thế và vai trò của doanh nghiệp tại Việt Nam đã có sự thay đổi cơ bản. Doanh nghiệp trở thành các chủ thể độc lập, tự chủ, có vai trò lớn đóng góp chủ yếu cho tổng sản phẩm quốc gia, tạo ra việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội… Chính vì tầm quan trọng của doanh nghiệp cho nên nhiều năm gần đây, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đang được Nhà nước ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, về mặt hệ thống và chính sách thì pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc áp dụng và thực thi chính sách pháp luật về doanh nghiệp. Tại bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số những vướng mắc của doanh nghiệp khi thực thi pháp luật Việt Nam tại thời điểm hiện tại như sau:

–           Những vướng mắc trong áp dụng luật doanh nghiệp và luật đầu tư:

Một trong những vấn đề tồn tại đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đó là tình trạng các văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực vẫn chưa được điều chỉnh hoàn thiện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của luật này. Ngoài ra, còn có những hạn chế khác về mặt nội dung, mà những quy định đó gây “vướng” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Có thể đưa ra những ví dụ như sau:

+          Về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp:

Ngày 14/9/2015 Chính phủ ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, mà theo đó, tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này, có quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định”. Tuy nhiên, theo Công  văn số 2544/BXD-QLN ngày 19/11/2009 của Bộ Xây dựng, về việc thực hiện các quy định về quản lý nhà chung cư, gửi đến các Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội; thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Hải Phòng; thành phố Đà Nẵng; tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa, khi đăng ký trụ sở công ty tại một căn hộ nằm trong cao ốc phức hợp để ở và thương mại, Sở Kế hoạch Đầu tư buộc nhà đầu tư phải chứng minh quyền được dùng căn hộ để làm trụ sở công ty. Yêu cầu này được hiểu là căn cứ vào Công văn trên của Bộ Xây dựng không cho phép sử dụng nhà chung cư làm văn phòng công ty. Vấn đề đặt ra ở đây là Sở Kế hoạch Đầu tư có quyền yêu cầu nhà đầu tư nộp hồ sơ chứng minh quyền được đặt trụ sở công ty tại căn hộ đã thuê không?

+          Về thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) và Giấy chứng nhận đầu tư (IRC).

Giữa Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã có quy định mâu thuẫn nhau, đó là, theo Luật Doanh nghiệp yêu cầu phải góp vốn trước mới làm thủ tục tăng vốn điều lệ. Ngược lại, Pháp lệnh Ngoại hối lại yêu cầu làm thủ tục tăng vốn điều lệ trước, sau mới cho phép góp vốn.

Tương tự, đối với một số ngành nghề kinh doanh, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì cần có giấy phép cho phép thành lập trước của các bộ chuyên ngành. Ví dụ lĩnh vực sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp; lĩnh vực thuốc chữa bệnh cho người do Bộ Y tế cấp; … Vậy Sở Kế hoạch Đầu tư có được quyền yêu cầu nhà đầu tư cung cấp các giấy phép này ngoài thành phần hồ sơ đã ấn định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 không? Rõ ràng, nếu yêu cầu nộp thêm, Sở Kế hoạch Đầu tư đã vi phạm quy định của khoản 2 Điều 9 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Song nếu không yêu cầu thì Sở Kế hoạch Đầu tư lại vi phạm các quy định của luật chuyên ngành khác.

+          Về thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

Luật Đầu tư năm 2014 đã cải cách mạnh thủ tục đầu tư theo hướng thay thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện bằng thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không yêu cầu lấy ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành. Cùng với đó, đầu mục hồ sơ đăng ký đầu tư được giảm thiểu đáng kể theo hướng không yêu cầu nhà đầu tư phải chuẩn bị các tài liệu như: giải trình kinh tế – kỹ thuật, giải trình đáp ứng điều kiện… để tạo thuận lợi và giảm thời gian, thủ tục cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, vẫn yêu cầu thực hiện một số thủ tục khác trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều này dẫn đến xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư. Sự thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật đang là rào cản lớn, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, gây rủi ro trong quá trình đăng ký cấp phép đầu tư, tạo tâm lý thiếu tin tưởng vào sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản luật pháp cũng như việc tuân thủ, triển khai thực hiện của các bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước.

–           Những hạn chế của doanh nghiệp trong việc cập nhật và thực thi các chính sách về thuế:

Hiện nay, chính sách, pháp luật về thuế đã có nhiều cải cách. Thế nhưng, chính vì sự thay đổi nhanh chóng, liên tục khiến doanh nghiệp không kịp cập nhật và thích nghi. Những hạn chế trong việc cập nhật và thực thi các chính sách về thuế thể hiện ở một số mặt cụ thể như sau:

+          Để áp dụng cho một tình huống cụ thể, doanh nghiệp phải tìm hiểu quá nhiều thông tư, nghị định để biết những quy định về thuế hiện tại. Do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau, trong khi đó, một số lĩnh vực lại chưa rõ ràng cụ thể hoặc lại chồng chéo dẫn đến khó thực hiện cho doanh nghiệp.

+          Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về thuế của Bộ Tài chính còn chậm so với thời hạn thi hành quy định của các văn bản Luật, Nghị định khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh như điều chỉnh hóa đơn, chứng từ, làm gia tăng chi phí, thời gian không đáng có.

+          Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp còn hạn chế, gây khó khăn trong việc luân chuyển dòng tiền để tái đầu tư, sản xuất.

+          Ngoài ra, việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân còn phức tạp, hoàn thuế thu nhập cá nhân còn chậm.

+          Việc áp dụng hóa đơn điện tử chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý khác nhau. Mặc dù cơ quan thuế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử để tiết kiệm chi phí và thuận tiện trong việc quản lý nhưng khi doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử rồi vẫn phải sử dụng hóa đơn giấy.Cụ thể và thường xuyên nhất là khi doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường, các cơ quan quản lý như cảnh sát giao thông, quản lý thị trường… vẫn yêu cầu xuất trình hóa đơn giấy gây khó khăn cho doanh nghiệp và vô hiệu hóa ý nghĩa của việc ứng dụng hóa đơn điện tử.

  • Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn yếu

Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ rất lớn trong khối doanh nghiệp tại Việt Nam. Thế nhưng cũng chính những đối tượng này lại thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin pháp luật, điều này đã ảnh hưởng đến sự hiểu biết của người quản lý doanh nghiệp về hệ thống pháp luật kinh doanh của Nhà nước ta và do đó cũng gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đã trải qua 10 năm, tuy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ rõ rệt nhưng vẫn diễn ra kém hiệu quả khi nhìn vào tổng thể, như sau:

+          Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách đồng bộ và có hệ thống. Một bộ phận cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

+          Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đa số cán bộ làm việc kiêm nhiệm, do đó, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay chưa cao.

+          Kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ trên cả nước, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này.

+          Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa được đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả, dẫn đến tình trạng bỏ trống nhiều địa bàn hoặc không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp ở các địa bàn kinh tế,  xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn khó tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật.

  1. Giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế

+          Các cơ quan nhà nước cần tiếp thu kịp thời những phản ánh của doanh nghiệp và cân nhắc, xem xét, kiến nghị tới cơ quan ban hành văn bản pháp luật, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức; xây dựng quy chế làm việc và áp dụng luân chuyển cán bộ thường xuyên để tránh tình trạng tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

+          Các doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa trong việc phản hồi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật với các cơ quan nhà nước, đồng thời tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới thuế, hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của các văn bản pháp luật.

+          Bộ Tài chính cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, hải quan để hạn chế tiếp xúc trực tiếp trực tiếp giữa công chức thuế, hải quan với doanh nghiệp; xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm.

+          Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần được hệ thống hóa một cách toàn diện, đầy đủ bằng văn bản luật để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách này, tránh để ở nhiều văn bản luật dẫn đến khó thực hiện và không kiểm soát được đồng bộ, hiệu quả trong thực tiễn không cao.

+          Các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp về kiến thức và hiểu biết pháp luật thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo chuyên sâu về từng lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động.v..v..

2019-11-26T17:11:37+00:00 Tháng Mười Hai 4th, 2018|Tin tức|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494