Sở hữu riêng

Pháp luật quy định về các hình thức sở hữu gồm sở hữu chung và sở hữu riêng. Sở hữu riêng là hình thức sở hữu của một chủ thể sở hữu.

 

I/ Sở hữu riêng là gì?

 

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân, một pháp nhân.

– Chủ thể của sở hữu riêng:

+ Một cá nhân: điều 32 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận và bảo hộ quyền sở hữu là quyền của mọi người.

+ Pháp nhân: Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

. Được thành lập hợp pháp;

. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, rõ ràng;

. Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

. Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

– Khách thể của sở hữu riêng: là tài sản (Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.)

+ Thu nhập hợp pháp;

+ Của để dành;

+ Nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất;

+ Phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác;

+ Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản thuộc sở hữu riêng.

– Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị.

 

II/ Nội dung quyền sở hữu riêng

 

Chủ sở hữu riêng có các quyền năng chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Cụ thể:

– Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật.

– Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

 

 

III/ Tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ chồng

 

Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định về Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật:

“1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.”

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494