Quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng là một trong các quyền năng khác đối với tài sản, không phải quyền sở hữu.

 

I/ Quyền hưởng dụng là gì?

 

1/ Định nghĩa

Quyền hưởng dụng là quyền khác đối với tài sản. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
Điều 257 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.”

 

2/ Quyền và nghĩa vụ của chủ thể có quyền hưởng dụng
– Người được quyền hưởng dụng có các quyền sau đối với tài sản:
+ Khai thác, sử dụng tài sản và thu hoa lợi, lợi tức: hưởng hoa lợi, lợi tức trong thời hạn khai thác tài sản;
+ Yêu cầu chủ sở hữu sửa chữa tài sản là đối tượng mình đang khai thác;
+ Cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng;
– Nghĩa vụ:
+ Nhận tài sản theo hiện trạng, thực hiện đăng ký quy định (nếu có);
+ Khai thác tài sản đúng với công dụng, mục đích sử dụng tài sản; giữ gìn, bảo quản tài sản;
+ Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ;
+ Hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu sau khi hết thời hạn hưởng dụng.

 

3/ Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản
Quyền:
– Chủ sở hữu vẫn có quyền định đoạt tài sản, nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập.
– Chủ sở hữu tài sản có quyền truất quyền hưởng dụng nếu người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ:
+ Khai thác tài sản không đúng với công dụng, mục đích;
+ Quản lý tài sản không đúng dẫn đến tình trạng hư hỏng, hao phí.
Nghĩa vụ:
– Sửa chữa tài sản bảo đảm không dẫn tới tình trạng tài sản không thể sử dụng được, mất công năng, giá trị.
– Không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập

 

II/ Căn cứ xác lập và chấm dứt quyền hưởng dụng

 

1/ Căn cứ xác lập quyền hưởng dụng
Quyền hưởng dụng được xác lập:
– Theo quy định của luật: chưa có trường hợp cụ thể.
– Theo thỏa thuận: đây là trường hợp phổ biến nhất, theo đó chủ sở hữu bằng ý chí xác lập giao dịch với người được hưởng dụng.
– Theo di chúc: chủ sở hữu lập di chúc trao quyền sở hữu tài sản và quyền hưởng dụng cho những người người thừa kế.

 

2/ Hiệu lực và thời hạn quyền hưởng dụng
– Hiệu lực:
+ Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
+ Quyền hưởng dụng đã được xác lập có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
– Thời hạn: Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.

 

3/ Chấm dứt quyền hưởng dụng
Quyền hưởng dụng chấm dứt trong trường hợp sau:
– Thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết.
– Theo thỏa thuận của các bên.
– Người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.
– Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định.
– Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn.
– Theo quyết định của Tòa án.
– Căn cứ khác theo quy định của luật.

2021-10-03T21:30:46+00:00 Tháng Chín 27th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật dân sự|Chức năng bình luận bị tắt ở Quyền hưởng dụng

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494