Khởi kiện vụ án hành chính

Nhiều người vẫn luôn có quan điểm “Vô phúc đáo tụng đình”, dân kiện quan như “Con kiến kiện củ khoai”. Tuy nhiên, pháp luật không chỉ là công cụ để “quan quản dân” mà cũng là công cụ để người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm và tránh tình trạng lạm quyền. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về các trường hợp người dân được khởi kiện vụ án hành chính.

 

I/ Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính và thụ lý vụ án

 

1/ Quyền khởi kiện vụ án hành chính

Căn cứ điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015:

– Đối tượng khởi kiện: theo khoản 1, 2, 3, 4 đối tượng khởi kiện hành chính gồm: Quyết định hành chính (cá biệt); Hành vi hành chính; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức; Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Danh sách cử tri.

– Người khởi kiện: theo quy định tại khoản 8, điều 3 và điều 115 thì chủ thể có quyền khởi kiện là chủ thể có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi hành chính, trực tiếp bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính… bị kiện.

– Người bị kiện: theo khoản 9 thì người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện.

 

2/ Khởi kiện vụ án hành chính ở đâu?

1.a) Thẩm quyền theo loại việc: Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015:

– Quyết định hành chính, hành vi hành chính trừ trường hợp thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật, quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng và quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức;

– Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống;

– Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

– Danh sách cử tri.

1.b) Thẩm quyền theo cấp và lãnh thổ:

– Thẩm quyền tòa án cấp huyện: căn cứ pháp lý tại điều 31 Luật TTHC 2015

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

+ Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

+ Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

– Thẩm quyền tòa án cấp tỉnh: quy định tại điều 32 Luật TTHC 2015

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

+ Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

+ Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

+ Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 của Luật này.

 

3/ Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính

Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định tại điều 116 Luật TTHC 2015:

– 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc ;

– 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

Đối với 02 trường hợp trên thì được trừ thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan dẫn đến không thể khởi kiện trong thời hiệu.

– Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

– Trường hợp khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật:

+ 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

+ 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Hết thời hiệu khởi kiện thì mất quyền khởi kiện.

 

4/ Thủ tục khởi kiện vụ án hành chính

– Đơn khởi kiện: Mẫu đơn khởi kiện HC – 01 tại Nghị quyết 02/2017/NQ – HĐTP;

– Nộp tạm ứng án phí theo quy định.

 

II/ Căn cứ khởi kiện vụ án hành chính

 

– Là các căn cứ thực tế và quy định pháp luật chứng minh được đối tượng bị khởi kiện là bất hợp pháp (lý do khởi kiện) về: thẩm quyền; trình tự, thủ tục (hồ sơ, thứ tự các bước, thời hạn thực hiện…); nội dung không phù hợp với các quy định pháp luật về nội dung và các sự kiện pháp lý xảy ra trên thực tế.

– Yêu cầu khởi kiện phải phù hợp với thẩm quyền giải quyết của Hội đồng xét xử (khoản 2 điều 193 Luật TTHC):

+ Yêu cầu hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại liên quan (nếu có), quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức; quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

+ Yêu cầu tuyên bố hành vi hành chính là trái pháp luật, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;

+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017).

2021-10-07T22:17:20+00:00 Tháng Mười 7th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật hành chính|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494