Đối thoại trong vụ án hành chính

Đối thoại trong vụ án hành chính có ý nghĩa như một phiên hòa giải trong vụ án dân sự. Các vấn đề được chốt tại phiên đối thoại giúp xác định phạm vi giải quyết, xem xét, các vấn đề mà các bên không phải chứng minh và phải chứng minh trong phiên tòa xét xử sơ thẩm (nếu có).

 

I/ Nguyên tắc đối thoại trong vụ án hành chính

 

1/ Nguyên tắc đối thoại

– Bảo đảm công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của đương sự;

– Không được ép buộc các đương sự thực hiện việc giải quyết vụ án hành chính trái với ý chí của họ;

– Nội dung đối thoại, kết quả đối thoại thành giữa các đương sự không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

 

2/ Những vụ án hành chính không thể tiến hành đối thoại được

– Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

– Đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng.

– Các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại.

 

II/ Thủ tục đối thoại trong vụ án hành chính

 

1/ Thành phần tham gia đối thoại

– Thẩm phán chủ trì phiên họp;

– Thư ký phiên họp ghi biên bản;

– Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự;

– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);

– Người phiên dịch (nếu có).

– Trường hợp cần thiết, Thẩm phán có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia phiên họp.

 

2/ Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại

– Kiểm tra sự có mặt, vắng mặt tại phiên họp;

– Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:

+ Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế, rút yêu cầu khởi kiện; yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;

+ Việc giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;

+ Việc bổ sung tài liệu, chứng cứ, đề nghị Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ, triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;

+ Vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.

– Sau khi các đương sự trình bày xong, Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các đề nghị của đương sự; trường hợp đương sự vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ.

– Sau khi tiến hành xong việc kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán tiến hành thủ tục đối thoại như sau:

+ Thẩm phán phổ biến cho đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc đối thoại để họ tự nguyện thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án;

+ Đương sự trình bày bổ sung về quan điểm, những căn cứ để bảo vệ quan điểm và đề xuất quan điểm về hướng giải quyết vụ án (nếu có);

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày bổ sung và đề xuất ý kiến giải quyết phần liên quan đến họ (nếu có);

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người khác tham gia phiên họp đối thoại (nếu có) phát biểu ý kiến;

+ Sau khi các đương sự trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;

+ Thẩm phán kết luận về những vấn đề các bên đương sự đã thống nhất và những vấn đề chưa thống nhất.

– Thư ký phiên họp ghi biên bản về diễn biến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

 

III/ Xử lý kết quả đối thoại

 

– Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, người bị kiện giữ nguyên quyết định, hành vi bị khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn giữ nguyên yêu cầu thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.

– Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện. Người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

– Trường hợp qua đối thoại mà người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện thì Tòa án lập biên bản về việc cam kết của đương sự. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản, người bị kiện phải gửi cho Tòa án quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện phải gửi cho Tòa án văn bản rút đơn khởi kiện. Hết thời hạn này mà một trong các đương sự không thực hiện cam kết của mình thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.

Trường hợp nhận được quyết định hành chính mới hoặc văn bản rút đơn khởi kiện thì Tòa án phải thông báo cho các đương sự khác biết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, nếu các đương sự không có ý kiến phản đối thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án và gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; trường hợp có căn cứ cho rằng nội dung các bên đã thống nhất và cam kết là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì quyết định của Tòa án có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

2021-10-20T22:36:18+00:00 Tháng Mười 20th, 2021|Lĩnh vực hoạt động, Tư vấn luật hành chính|0 Comments

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494