Đặc trưng của nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu

Quyền sở hữu tài sản được Nhà nước và pháp luật bảo hộ. Do đó, việc xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức, cơ quan, Nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng tìm hiểu một vài đặc trưng của nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu.

 

I/ Các tội xâm phạm quyền sở hữu

 

– Căn cứ pháp lý: điều 168 đến 180 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

– Bao gồm:

+ Điều 168. Tội cướp tài sản;

+ Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản;

+ Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản;

+ Điều 171. Tội cướp giật tài sản;

+ Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản;

+ Điều 173. Tội trộm cắp tài sản;

+ Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;

+ Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản;

+ Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản;

+ Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản;

+ Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản;

+ Điều 179. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

+ Điều 180. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.

– Phân loại:

+ Nhóm tội có tính chiếm đoạt: Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội cưỡng đoạt tài sản…

+ Nhóm tội không có tính chiếm đoạt như: Tội sử dụng trái phép tài sản; Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…

 

II/ Một vài đặc trưng của nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu

 

1/ Khách thể của tội phạm

– Đặc trưng của nhóm tội này là khách thể bị xâm phạm là quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức, Nhà nước. Quyền năng sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Hành vi phạm tội có thể xâm phạm đến cả ba quyền năng trên hoặc chỉ xâm phạm quyền sử dụng, chiếm hữu.

– Ngoài ra: các tội như cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc nhằm quyền đoạt tài sản… còn xâm phạm đồng thời đến khách thể là quyền nhân thân.

 

2/ Mặt khách quan

– Hành vi phạm tội được pháp luật quy định đa dạng, phong phú như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gian dối, lén lút, công khai hoặc bằng thủ đoạn khác để chiếm đoạt tài sản; hành vi hủy hoại, gây hư hỏng tài sản, sử dụng trái phép… Điển hình nhất trong nhóm tội này chính là hành vi chiếm đoạt tài sản.

– Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc được quy định trong hầu hết các cấu thành tội phạm.  Riêng các tội như cướp, cưỡng đoạt, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản… đây là các tội có cấu thành hình thức, tức là chỉ cần có hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan.

 

3/ Mặt chủ quan

– Lỗi: thường được thực hiện với lỗi cố ý. Riêng tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được thực hiện với lỗi vô ý.

– Mục đích: thường là có mục đích chiếm đoạt.

 

4/ Chủ thể

– Chủ thể thường (có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định).

– Riêng tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đòi hỏi chủ thể phải là người có trách nhiệm trong việc quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Hotline:
096 447 8877
or
0906 271 494