Chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, việc xác định chiếm hữu là ngay tình hay không có ý nghĩa pháp lý quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của người chiếm hữu, chủ sở hữu tài sản.
I/ Chiếm hữu là gì?
Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.
Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.
Chiếm hữu của người không phải chủ sở hữu gồm chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình.
II/ So sánh chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình
1/ Giống nhau
– Đều là chế định liên quan đến quyền sở hữu;
– Người chiếm hữu không phải chủ sở hữu;
– Người chiếm hữu buộc phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định.
2/ Khác nhau
Tiêu chí | Chiếm hữu ngay tình | Chiếm hữu không ngay tình |
Định nghĩa | Điều 180 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.” |
Điều 181 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.” |
Bản chất | Người chiếm hữu không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu là không có căn cứ pháp luật. | Người chiếm hữu biết hoặc phải biết việc chiếm hữu là không có căn cứ pháp luật. |
Tình trạng suy đoán | Ngay tình là tình trạng mặc nhiên suy đoán đối với người đang chiếm giữ tài sản. | Người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh |
Các trường hợp được pháp luật công nhận và bảo vệ | Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình được pháp luật công nhận và bảo vệ trong một số trường hợp:
– Có thể trở thànnh chủ sở hữu tài sản theo quy định; – Có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức trong một số trường hợp. |
Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình không được pháp luật bảo vệ trong mọi trường hợp. |
Hậu quả pháp lý | – Trả lại tài sản cho chủ sở hữu;
– Quyền khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức trong một số trường hợp. – Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. (Điều 236 BLDS 2015) |
Điều 576 và khoản 1 điều 581 BLDS 2015:
– Buộc chấm dứt việc chiếm hữu – Hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; – Bồi thường thiệt hại (nếu có) do hành vi chiếm giữ gây ra. |
3/ Ý nghĩa pháp lý của việc xác định chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình
Việc xác định chiếm hữu là ngay tình hay không ngay tình có ý nghĩa:
– Cơ sở pháp lý để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đang bị chiếm hữu thực tế;
– Bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sở hữu tài sản;
– Bảo vệ một số quyền và lợi ích của người chiếm hữu ngay tình;
– Cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người đang chiếm hữu tài sản.